Ngày 02/11/2022 tại Hội trường 225/A2, Trường Đại học Thủy lợi đã chủ trì và tổ chức Hội thảo Quốc tế: “Establishment of a landslide monitoring and prediction system”. Hội thảo này thuộc đề tài NĐT67/e-Asia19 do trường Đại học Thủy lợi chủ trì phía Việt Nam (Năm: 2019-2022) và trong chương trình nghiên cứu chung Đông Á (e-Asia JRP) với chủ đề phòng, chống và giảm thiểu thiên tai khu vực. Mục đích của Hội thảo là tổng kết kết quả nghiên cứu chung của 3 nước thành viên thực hiện đề tài (Năm: 2019-2022) gồm Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo, các công bố khoa học chung và định hướng hợp tác mở rộng nghiên cứu trong những năm tiếp theo.
Tiếp theo là báo cáo của TS Jessada Karnjana đến từ Trung tâm Công nghệ máy tính, điện tử Quốc gia Thái Lan, trưởng nhóm nghiên cứu phía Thái Lan, trình bày về quan trắc trượt lở đất và truyền dẫn số liệu. Nhóm nghiên cứu Thái lan đã hoàn thành được các sản phẩm phần mềm xử lý chất lượng ảnh vệ tinh, ảnh viễn thám phục vụ nhận diện trượt lở đất. Và nhiều kết quả nghiên cứu khác của nhóm Thái Lan như tối ưu hóa hệ thống truyền dẫn không dây để phục vụ sử lý số liệu đo từ các trạm thành phần quan trắc trượt lở đất về máy chủ. Phân tích dữ liệu LiDAR trong phòng chống đá lở đá rơi…
Đại diện nhóm nghiên cứu Nhật Bản, GS Akihiko Wakai đến từ đại học Gunma và ông cũng là Lead PI đã trình bày kết quả phát triển phần mềm dự đoán trượt lở đất theo thời gian thực. Với mô hình phân tích mái dốc đề xuất, kết quả nghiên cứu đã phát triển hoàn chỉnh được bản đồ nguy cơ trượt lở đất theo thời gian thực. Từ số liệu mưa trạm đo thời gian gian thực thể hiện được biến đổi mực nước ngầm tương ứng dẫn đến kết quả hệ số ổn định mái dốc biến đổi tương ứng. GS Akihiko Wakai cũng trình bày nhiều nội dung liên quan tới các nghiên cứu ở các nước thành viên.
Tại buổi Hội thảo, TS. Phùng Đức Long, chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam đã có phát biểu chia sẻ về kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Với hơn 15 năm kinh nghiệm hoạt động khoa học Công nghệ tại Thụy Điển, TS. Phùng Đức Long đã có đánh giá cao về hiệu quả chương trình phối hợp nghiên cứu chung e-Asia JRP và ấn tượng với kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu ba nước.
Phiên buổi chiều có 7 báo cáo điển hình của các thành viên nhóm nghiên cứu 3 nước tập trung có các nội dung xây dựng bản đồ nguy cơ trượt lở đất, phát triển trạm đo trượt lở đất theo thời gian thực và hệ thống truyền dẫn, xây dựng mô hình dự đoán trượt đất tích hợp theo thời gian thực, mô phỏng 3D khối trượt đất theo tiếp cận định lượng để phát triển bản đồ nguy cơ trượt đất tỷ lệ lớn. Trong 3 năm (2019-2022) nhóm nghiên cứu 3 nước đã công bố 26 bài báo SCIE, đào tạo 01 tiến sĩ tại Đại học Gunma, 9 thạc sĩ trong đó có 5 thạc sĩ công nghệ thông tin từ Thái Lan, 1 thạc sĩ địa kỹ thuật xây dựng (Việt Nam), 3 thạc sĩ địa kỹ thuật (Nhật Bản).
Đại diện Cục khoa học Công nghệ Nhật Bản (JST), GS Kenji Satake đến từ Đại học Tokyo đã phát biểu tổng kết hội thảo và định hướng mở rộng nghiên cứu 3 bên tập trung giải quyết vấn đề thiên tai miền Trung. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu phối hợp ba bên rất tốt, cần phát huy thế mạnh nghiên cứu và hiệu quả hơn nữa để đóng góp thiết thực cho phòng chống thiên tai ở ba nước và khu vực. Hội thảo kết thúc lúc 17 giờ cùng ngày sau phiên thảo luận, các đại biểu dự hội thảo trực tiếp đã chụp ảnh lưu niệm tại hội trường và tham quan cơ sở vật chất trường Đại học Thủy lợi tại 175 Tây Sơn Đống Đa Hà Nội.
Hoàng Việt Hùng
Trường Đại học Thủy lợi.
E-mail: [email protected]
Nguyễn Đức Mạnh
Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội.
E-mail: [email protected]