Hiệu quả nghiên cứu khoa học của nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo (GEOAI), Trường Đại học Công nghệ GTVT

Địa kỹ thuật là một lĩnh vực quan trọng, không thể tách rời các công trình xây dựng, có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề về cơ học đất, cơ học đá, địa chất công trình, nền và móng nhằm đảm bảo ổn định khai thác cho các công trình và phát triển bền vững. Vài năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng như khoa học tự nhiên để giải quyết những vấn đề thực tế của cuộc sống, bước đầu cho thấy hiệu quả và lợi ích mang lại vượt trội. Với lĩnh vực Địa kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo được dùng để dự báo tính chất xây dựng của vật liệu đất, kết cấu móng công trình, dự báo các tai biến thiên nhiên, bước đầu đem lại kết quả có độ tin cậy cao và được nhiều nước quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, việc áp dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật là nhu cầu thiết yếu và có triển vọng trọng kỷ nguyên Công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu mạnh Địa kỹ thuật và Trí tuệ nhân tạo (GEOAI), Trường Đại học Công nghệ GTVT được thành lập Ngày 30/03/2018 theo QĐ số 943/QĐ-ĐHCNGTVT với 14 thành viên đến từ Trường Đại học Miền Nam Na Uy; Trường Đại học Công nghệ GTVT; Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học GTVT; Học viện kỹ thuật quân sự; Viện Thủy công, Viện khoa học Thủy lợi Việt Nam; Trường Đại học Thủy lợi; Trường Đại học Mỏ Địa chất. Nhóm nghiên cứu mạnh GEOAI được thành lập nhằm tập hợp những Nhà khoa học đa ngành để giải quyết các bài toán liên ngành liên quan đến lĩnh vực xây dựng công trình. Cụ thể:
Mục tiêu hoạt động: Nghiên cứu và công bố các công trình khoa học có chất lượng cao trong lĩnh vực ĐKT; phát triển và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ trí tuệ nhân tạo và các giải pháp công nghệ cao để giải quyết các bài toán địa kỹ thuật liên quan đến ngành xây dựng công trình.

Ban giám hiệu trường Đại học Công nghệ GTVT chụp ảnh lưu niệm với nhóm nghiên cứu mạnh ĐKT và Trí tuệ nhân tạo (GEOAI)

Hướng nghiên cứu chính:
• Phát triển và ứng dụng các kỹ thuật công nghệ Trí tuệ nhân tạo trong dự báo các tính chất của vật liệu xây dựng, sự làm việc và ổn định của cấu trúc nền móng, cũng như các tai biến đối với môi trường đất đá tự nhiên và công trình;
• Phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về đo lường, cảm biến, và điện tử viễn thông phục vụ quan trắc, dự báo, và cảnh báo các vấn đề ĐKT, tai biến môi trường đất đá tự nhiên và công trình;
• Ứng dụng phương pháp số và mô phỏng trong phân tích các bài toán ĐKT;
• Xây dựng và phát triển các mô hình thực nghiệm các bài toán ĐKT;
• Ứng dụng các công nghệ phân tích địa không gian, hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong dự báo, cảnh báo tai biến môi trường đất đá tự nhiên và công trình;
• Phát triển các mô hình tính toán thông minh dựa trên Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật trong Địa kỹ thuật.
Từ khi thành lập, nhóm nghiên cứu mạnh đã hoạt động tích cực, chủ trì thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ KHCN, công bố công trình NCKH trên các tạp chí trong nước và quốc tế; phục vụ công tác đào tạo, nhất là đào tạo sau đại học. Nhóm Nghiên cứu mạnh đã đạt được nhưng thành tựu:
• Chủ trì thực hiện 01 đề tài thuộc Quỹ Nafosted.
• Chủ trì thực hiện 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Giao thông vận tải.
• Tham gia Tổ chức 03 Hội thảo chuyên đề và 01 hội thảo quốc tế.
• Nghiên cứu và công bố hơn 10 bài báo khoa học trên các tạp chí ISI.

Hội nghị khoa học về Trí tuệ nhân tạo trong phân tích Địa kỹ thuật

Kết quả hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh cũng là cách hỗ trợ tích cực hoạt động giảng dạy đại học và sau đại học, gắn kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp người học tiếp cận với những vấn đề khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của Trường và người học.

Ngô Thị Thanh Hương
Khoa công trình, trường đại học Công nghệ Giao thông vận tải.

E-mail: [email protected]