GS. TSKH. Lê Bá Lương – Người thầy kính yêu của chúng tôi

Prof. Dr. Le Ba Luong – Our beloved teacher

Nhà giáo Nhân dân, giáo sư, tiến sĩ khoa học Lê Bá Lương sinh ngày 10 tháng 6 năm 1937 tại huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thầy nguyên là Chủ nhiệm khoa Kỹ thuật Xây dựng, đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1982 cho đến khi Thầy nghỉ hưu. Thầy đã bảo vệ thành công luận án TSKH tại trường Cầu Đường, Moscow, Nga năm 1984 và được phong hàm Giáo sư vào năm 1991.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Thầy đã được nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng 3 và Huân chương Lao động hạng 3 (năm 2002).
Ngoài các công trình nghiên cứu và hàng chục bài báo khoa học bằng tiếng Nga và tiếng Việt, thì gia tài về tri thức Thầy có để lại cho thế hệ sau, là các giáo trình gối đầu giường của ngành Địa kỹ thuật như: Phương pháp thí nghiệm cơ học đất; Tính toán nền móng công trình theo thời gian; Cơ học đất; Tính toán nền móng theo trạng thái giới hạn; Công trình trên nền đất yếu trong điều kiện Việt Nam; Công trình trong điều kiện đất yếu ở đồng bằng sông Cửu Long, v.v.

GS. TSKH Lê Bá Lương và các học viên Cao học K12 ngành Công trình trên nền đât yếu
GS. TSKH Lê Bá Lương đưa sinh viên đi thực tập tại cầu Hiệp Phước.

Tôi là người may mắn được thầy dạy dỗ suốt từ khi còn học đại học và cả sau này khi học cao học tại trường Đại học Bách khoa TP HCM. Các bạn cùng khóa Đại học (1988 – 1993) vẫn thường ghen tỵ khi tôi được chính thày Lê Bá Lương hướng dẫn đồ án tốt nghiệp Kỹ sư ngành Xây dựng. Những ngày tháng được học tập và làm việc với Thầy, chúng tôi luôn bị thu hút bởi tính cách nhẹ nhàng, hóm hỉnh, rất nhiệt tình và trí nhớ rất tốt của Thầy. Những câu chuyện Thầy kể về quá trình học tập, nghiên cứu, những khó khăn khi làm các thí nghiệm, về GS Maslov của Thầy (Lời BBT: xem Hồi ký về GS Maslov trong Bản tin Hội số 1, trang 76)… luôn làm chúng tôi rất thích thú và đó cũng chính là động lực cho chúng tôi trong quá trình học tập. Sinh thời, Thầy có dáng vẻ tầm thước. Khi lên lớp giảng bài phong thái của Thầy luôn khoan thai, nhẹ nhàng và khá kiên nhẫn với những học trò lười. Thế nhưng khi dẫn bọn sinh viên chúng tôi đi tham quan, thực tập tại các công trình thì tác phong của thầy lại rất nhanh nhẹn và xông xáo.

Thầy Lê Bá Lương đưa sinh viên đi tham quan cầu Mương Chuối
Thầy Lê Bá Lương nhận hoa từ GS Dương Thiệu Tống vào buổi lễ nhận bằng của TS. Dương Hồng Thẩm

Khi nhóm chúng tôi, GS. TS Trần Thị Thanh, PGS. TS Hoàng Việt Hùng và tôi, đại diện cho Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt nam (VSSMGE) đến thăm thầy để tri ân và trao tặng kỷ niệm chương của Hội vào năm 2019, thì sức khỏe của Thầy đã yếu, đi lại đã khó khăn. Thế nhưng mắt Thầy vẫn sáng lên thật vui và rất hào hứng khi nhắc đến các công trình nghiên cứu và các thành tựu của Hội.

Chị Nguyễn Thị Thanh và anh Hoàng Việt Hùng trao Bằng vinh danh Hội viên lão thành của VSSMGE cho thầy Lê Bá Lương, năm 2019.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, thì Nhà giáo Nhân dân, GS. TSKH Lê Bá Lương đã hướng dẫn thành công 56 Thạc sĩ và 6 Tiến sĩ. Hiện nay họ đều là những nhà nghiên cứu; giảng viên đại học… có uy tín, đã và đang tiếp bước thầy trên con đường khoa học. Tuy Thầy đã đi xa, nhưng những tinh hoa và truyền thống học tập của Thầy đã truyền cho rất nhiều thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh… và nhất là hai người con trai của thầy là TS. Lê Bá Khánh và PGS. TS Lê Bá Vinh, đều là những nhà khoa học xuất sắc trong lĩnh vực Cầu đường và Địa kỹ thuật, có rất nhiều đóng góp trong nghiên cứu và đào tạo.
Để thay lời kết, tôi xin mạn phép trích dẫn bài thơ của PGS.TS. Dương Hồng Thẩm viết vào ngày Thầy ra đi vĩnh viễn, để chúng ta hiểu thêm về Thầy, về tình cảm của các thế hệ học trò dành cho Thầy – Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH Lê Bá Lương.

KHÓC THẦY
Đau đớn tiễn đưa hình bóng Thầy
Ba mươi năm có, đọng lại đây
Nhớ Thầy bên giảng đường B6
Dáng vẻ trầm ngâm… những tháng ngày
Nét bút nghiêng nghiêng đời khoa học
Lời khuyên thẳng thắn nghiệp dựng xây
Bao năm biết mấy Ân tình, Nghĩa…
Tiễn biệt Thầy đi… buồn quắt quay!
[Dương Hồng ThẩmNgày 5 tháng 7 năm 2022]

Lời cảm ơn:

Xin chân thành cảm ơn TS. Lê Bá Khánh và PGS.TS Dương Hồng Thẩm đã cung cấp tài liệu để tôi hoàn thành bài viết.

Bạch Vũ Hoàng Lan

Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh.

E-mail: [email protected]