Vai trò địa kỹ thuật ở đâu trong sự phát triển bền vững?

Ngày Địa kỹ thuật Việt Nam đã được Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) long trọng tổ chức, với sự tham gia của đông đảo các nhà cơ học đất và địa kỹ thuật hàng đầu thế giới.

Ngày Địa kỹ thuật Việt Nam đã được Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) long trọng tổ chức, với sự tham gia của đông đảo các nhà cơ học đất và địa kỹ thuật hàng đầu thế giới. Đây là sự kiện chào mừng 30 năm thành lập VSSMGE, kỷ niệm 25 năm là thành viên chính thức của Hội Cơ học đất và Địa quốc tế (ISSMGE) và 15 năm thành lập Viện địa kỹ thuật Việt Nam, đồng thời là diễn đàn trao đổi, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia địa kỹ thuật hàng đầu đến từ nhiều nước trên thế giới.

Theo GS.TS Nguyễn Mạnh Kiểm nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cần nâng cao chất lượng
kỹ sư địa kỹ thuật đáp ứng yêu cầu mới

Những thành tựu “đáng nể”

Là một chuyên ngành kỹ thuật áp dụng những kiến thức của toán học, vật lý, hóa học, địa chất, cơ học, động lực học, thủy lực, dao động, môi trường … vào kỹ thuật xây dựng và bảo vệ môi trường, trong những năm qua, cơ học đất và địa kỹ thuật ở nước ta đã có nhiều bước tiến vượt bậc, đóng góp cho sự phát triển của ngành xây dựng và của đất nước. Nhiều phương pháp mới trong khảo sát đất nền, thí nghiệm và quan trắc địa kỹ thuật, gia cố và xử lý nền đất yếu, nền móng và địa kỹ thuật môi trường đã được nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam.

Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả các nghiên cứu cơ học đất và địa kỹ thuật được ứng dụng tại nhiều công trình trong thời gian qua, tại Hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế hàng đầu ngành cơ học đất và địa kỹ thuật còn chia sẻ kinh nghiệm cũng như những nghiên cứu mới nhất về cơ học đất và địa kỹ thuật trên thế giới. Các giải pháp kỹ thuật bảo vệ hố đào công trình ngầm trong khu vực đô thị; phát triển mới và thí nghiệm thiết bị cắt phẳng; Quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng về kiểm tra chất lượng của bê tông bơm phun gia cường sợi thép; phân tích địa kỹ thuật tất cả các loại đất với các trạng thái xu thế hội nhập; phương pháp thiết kế bấc thấm đứng cho đất cải tạo bằng đất sét trầm tích biển… và nhiều kinh nghiệm, phương pháp trong xây dựng những công trình lớn, cầu vượt biển đã được chia sẻ với các kỹ sư địa kỹ thuật Việt Nam.

Theo các chuyên gia nước ngoài, không chỉ giải quyết các vấn đề nền móng và hiểm họa trượt đất, các kỹ sư địa kỹ thuật ngày nay còn càng quan tâm nhiều đến các vấn đề môi trường, đất nhiễm bẩn, tàng trữ chất phế thải và ngăn chặn rò rỉ có hại cho cân bằng sinh thái cũng như cũng như phế thải phóng xạ…Vai trò của địa kỹ thuật phục vụ phòng chống giảm nhẹ thiên tai vì sự phát triển bền vững ngày càng được khẳng định trên thế giới.

Hướng đến phát triển bền vững

Là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước ta đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề do biến đổi khí hậu gây nên. phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu được Chính phủ đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – văn hóa- xã hội của đất nước.

Và để đạt được mục tiêu đó, ngành Xây dựng có vai trò rất quan trọng. Ngoài các giải pháp về kiến trúc – quy hoạch, các vấn đề về sử dụng VLXD thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng và trong đó khâu thiết kế xây dựng nền móng công trình rất cần được chú ý nhiều hơn nữa.

Theo GS.TS Nguyễn trường Tiến, Chủ tịch VSSMGE , Giám đốc Viện Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam, đã đến lúc chúng ta cần các giải pháp, công nghệ cũng như bí quyết sản xuất có chất lượng cao cho các công trình, quy trình công nghệ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng cũng như cần có các giải pháp để làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, ngăn ngừa các rủi ro từ bão lũ lụt, xói mòn, sạt lở, mất ổn định bờ sông, biển, giảm sự tác động của việc khai thác khoáng sản, hay xây dựng các siêu dự án ..bằng cách ứng dụng địa kỹ thuật trong xây dựng công trình xanh ở Việt Nam.  Các công trình như đường xá, cầu cống, bến cảng, sân bay, dàn khoan, nhà cửa, đường hầm, công trình ngầm đô thị, trường học, bệnh viện…cần được xây dựng với các ý tưởng xanh bền vững, kỹ thuật cao, giá trị cao nhưng giá cả thấp nhất có thể.

GS.TS Nguyễn trường Tiến phân tích: việc sử dụng kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép, bê tông đúc sẵn, bê tông nhẹ, xi măng lưới thép cũng như sử dụng vật liệu xanh sẽ làm giảm trọng lượng và tải trọng tác dụng lên công trình, tiết kiệm được nguyên vật liệu, năng lượng, tái sử dụng chất thải xây dựng cho công trình, không tạo ra các chất thải khác, giảm thời gian lao động và chi phí duy tu bảo dưỡng, giảm các thảm họa địa kỹ thuật và ngăn ngừa sự đổ vỡ của dự án.

Nhiều chuyên gia hàng đầu quốc tế đã chia sẻ những nghiên cứu kinh nghiệm trong lĩnh vực này

Thực tế, nhiều sản phẩm đã được sử dụng cho các nền đất có cường độ yếu trong các công trình đường nhằm cải thiện khả năng  chịu tải của nền đất đường như consoled, ss, rocamic..để chế tạo gạch cho nhà, bảo vệ mái dốc, tăng tính chống thấm cho nền đất và bảo vệ đất khỏi các tác động qua lại của nước. Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng, tốn ít chi phí duy tu bảo dưỡng và sử dụng đất sẵn có….trong những năm tới công trình xanh sẽ phát triển tại Việt Nam vì vậy chúng ta cần có những nghiên cứu cụ thể. Làm việc với đất, nước, không khí đa dạng sinh học và tài nguyên…các nhà địa kỹ thuật cần có lời giải thông minh cho bài toán phát triển – bảo vệ môi trường.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Kiểm, nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên chủ tịch VSSMGE nhấn mạnh vai trò của kỹ sư địa kỹ thuật trong thời kỳ CHN – HĐH đất nước. Họ sẽ là những người góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ ảnh hưởng của việc mở rộng hệ thống hạ tầng đến môi trường sống, góp phần quan trọng trong quá trình quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, đô thị và hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như giải quyết các vấn đề thiên tai và những thảm họa do biến đổi khí hậu, giải quyết các vấn đề liên quan đến các công trình ở thềm lục địa, công trình ven biển cũng như công cuộc lấn biển…

Để làm được những việc đó, theo ông Kiểm, việc nâng cao chất lượng kỹ sư, đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường sự hợp tác quốc tế là những yếu tố quan trọng nhằm nâng cao chất lượng kỹ sư địa kỹ thuật, góp phần quan trọng trong công cuộc CNH – HĐH đất nước.