Ứng dụng BIM cho gói thầu di dời công trình hạ tầng ngầm quanh các nhà ga tuyến Metro 2, thành phố HCM

Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành – Tham Lương có điểm đầu là nhà ga Bến Thành, điểm cuối là Depot Tham Lương. Chiều dài tuyến 11,042km, trong đó đoạn đi ngầm dài 9,091 km, đoạn chuyển tiếp dài 0,279 km, đoạn đi trên cao (chính tuyến) dài 0,758 km, đoạn rẽ vào khu depot dài 0,914 km. Tuyến có 11 nhà ga bao gồm 10 nhà ga ngầm và một nhà ga trên cao.

Hình 1: Họa đồ vị trí tuyến tàu điện ngầm số 2 (Metro 2)

Để chuẩn bị thi công các nhà ga và tuyến Metro ngầm, chủ đầu tư (Ban quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM) tiến hành công tác thiết kế, thi công di dời các công trình ngầm hiện hữu tại vị trí các nhà ga. Hạ tầng ngầm hiện trạng vô cùng phức tạp với rất nhiều đường ống cấp nước, thoát nước, cấp điện, thông tin liên lạc v.v. đan xen lẫn nhau và thuộc hàng chục đơn vị quản lý, sở hữu khác nhau. Việc di dời, làm mới cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư dự án và các đơn vị quản lý, sở hữu các công trình ngầm này cũng như với chính quyền địa phương do liên quan đến công tác tạm dừng việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thông tin liên lạc. Mặc khác, không gian thi công của dự án vô cùng chật hẹp, yêu cầu phải có sự phối hợp giữa các nhà thầu của các gói thầu di dời các hạ tầng ngầm với nhau và giữa họ với các nhà thầu của gói thầu xây dựng các nhà ga cả về không gian và thời gian. Do vậy, chủ đầu tư đã quyết định áp dụng BIM (Building Information Modeling) vào toàn bộ dự án nhằm giúp cho quá trình thiết kế, giám sát, quản lý dự án và thi công đạt hiệu quả về tiến độ và chất lượng công trình. Ngoài ra, ứng dụng BIM còn giúp cho việc vận hành dự án sau này được dễ dàng thuận lợi trong công tác quản lý, duy tu và bảo dưỡng.
iDECO là nhà thầu chính tư vấn thiết kế có ứng dụng BIM cho gói thầu di dời hạ tầng. Hồ sơ thiết kế bao gồm các mô hình BIM như mô hình hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, các mô hình di dời tạm, mô hình phụ trợ thi công, mô hình thiết kế,… các công trình ngầm. Ngoài ra sản phẩm thiết kế là các bản vẽ 2D xuất ra từ mô hình nhằm phục vụ cho công tác pháp lý như trình thẩm định, phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình triển khai dự án, ngoài việc thiết lập các mô hình mô phỏng thiết kế và thi công, cần có môi trường dữ liệu chung (CDE) để các bên liên quan dự án tương tác với mô hình và phối hợp với nhau trong suốt quá trình thiết kế, giám sát, quản lý dự án và thi công. Hiện nay có rất nhiều hãng cung cấp môi trường dữ liệu chung như ứng dụng BIM 360 của Autodesk, Trimble Conect của hãng Trimble, BCDE của hãng Bentley,…Tuy nhiên, hầu hết các giải pháp trên đều chưa đáp ứng hết nhu cầu của các bên tham gia dự án và đặc biệt chưa phù hợp với thực trạng ngành xây dựng nước ta, khi áp dụng vào dự án mang lại hiệu quả tương tác không cao. Từ những nhu cầu thực tế, trên cở sở nền tảng ứng dụng CDE của các hãng, iDECO thiết lập ra môi trường dữ liệu chung, có các tính năng phân quyền người dùng, nhóm người dùng, mô hình cộng tác, chia sẻ thông tin, chức năng lưu trữ, tổ chức dữ liệu,…. để các bên thuận lợi trong quá trình tương tác, nhằm mang lại hiệu quả cao về quản lý chất lượng và tiến độ công trình.

Một số hình ảnh về các mô hình

Hình 2 : Mô hình hiện trạng hạ tầng kỹ thuật
nhà ga

 

Hình 3 : Mô hình phụ trợ thi công hệ thống thoát nước mưa.
Hình 4 : Mô hình thiết kế di dời cấp, thoát nước

 

Hình 5 : Mô hình di dời tạm hệ thống cấp điện

 

Hình 6 : Mô hình tổng hợp hạ tầng ngầm
Hình 7 : Mô hình bề mặt sau khi hoàn thiện

 

Hình 8 : Mô hình tổng hợp trên Môi trường dữ liệu chung (CDE).

Nguyễn Quang Hoài, Trần Văn Tâm

Công ty cổ phần iDECO Việt Nam.

E-mail: [email protected]