VSSMGE Miền Trung – Tổng hợp hoạt động năm 2011 – 2016

Ban tổ chức

Chủ tịch chi Hội: TS. Hoàng Truyền; PCT: ThS. Lê Xuân Mai
Thư ký: KS. Mai Triệu Quang, PTK: TS. Đỗ Hữu Đạo, ThS. Bùi Hồng Trung; ThS. Trần Hoài Nam cùng 50 hội viên cá nhân; 6 hội viên tập thể.
Địa chỉ liên hệ của Hội: 257 – Nguyễn Văn Linh – quận Hải Châu – thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: (+84 511) 222 9752; Fax: (+84 511) 365 6691

Thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Với  vai trò là Tư vấn giám sát và tư vấn quản lý dự án, BK-ECC – thuộc chi hội VSSMGE Miền Trung đã tham gia phản biện thiết kế cọc khoan nhồi trụ tháp T6 cầu dây văng tầng 2 – Dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Đà Nẵng và đã đề xuất sử dụng thêm các phương pháp tính toán và đánh giá sức chịu tải của tầng đá phong hóa. Qua đó, thiết kế đã được điều chỉnh rút ngắn chiều dài cọc nhồi. Kết quả làm giảm thời gian khoan cọc, vượt tiến độ thi công dự kiến, làm lợi kinh phí ước tính 10 tỷ đồng.
Ngoài ra K-ECC – thuộc chi hội VSSMGE Miền Trung đã tham gia phản biện thiết kế xử lý nền đất yếu tại mố M2 – Cầu vượt tầng 2 – Dự án Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế, Đà Nẵng và đã đề xuất phương án nền đắp bằng bê tông nhẹ, với hai bên ta luy là tường chắn lắp ghép bằng các block bê tông. Sau quá trình phản biện, Tư vấn thiết kế đã đề xuất được phương án giảm tải nền đắp bằng cống hộp BTCT mà không cần hệ móng cọc, qua đó giảm kinh phí còn 50% so với ban đầu đồng thời rút ngắn được tiến độ thi công.

Công tác hoạt động khoa học công nghệ

Trong thời gian 5 năm (2011-2016) chi Hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức các Hội thảo khoa học như sau :
Hội thảo thành lập Chi hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam – Miền Trung ngày 01 tháng 11 năm 2010 tại Sở giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng.
Hội thảo Công nghệ mới trong xây dựng móng cọc « New Technologies in construction of pile foundation » ngày 19/3/2011 tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Hội thảo Ngày Địa kỹ thuật Việt Nam tại Đà Nẵng « Vietnam Geotechnical Day in Da Nang » ngày 31 tháng 07 năm 2011 tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Hội thảo Địa kỹ thuật : chuyên đề ổn định mái dốc ngày 26 tháng 02 năm 2013 tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Semiar khoa học giao lưu nhà khoa học của trường Đại học Cầu đường Paris ngày 23/02/2014 tại Văn phòng Chi hội 257 Nguyễn Văn Linh – thành phố Đà Nẵng.
Semiar khoa học : Đề xuất Tổng thầu Thiết kế-Thi công xử lý sạt lở bờ biển Cửa Đại Hội An ngày 25/12/2015 tại Văn phòng Chi hội 257 Nguyễn Văn Linh – thành phố Đà Nẵng.
Tham gia tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia « Hạ tầng giao thông với phát triển bền vững » ngày 17-18/9/2016 với hơn 80 bài báo trong nước và quốc tế về các lĩnh vực : Cơ học công trình, quan trắc sức khỏe công trình, Cơ học nền mặt đường, Địa kỹ thuật công trình và Vật liệu xây dựng.
Hội thảo quốc gia “ Hạ tầng giao thông với phát triển bền vững TISDC 2016”

Công tác đào tạo, thông tin

Các lớp tập huấn, đào tạo đã được mở ra nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Hội viên:
Lớp học « Basic of Pile Foundation » của GS. Bengt Fellenius ngày 19/3/2011 tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Lớp học “Móng cọc: Thiết kế – Thi công – Nghiệm thu” ngày 30 tháng 7 năm 2011 tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Lớp học: Địa kỹ thuật trong xử lý đất yếu và không gian ngầm trong môi trường Đô thị Khách sạn Tourance ngày 12 tháng 10 năm 2011 tại Khách sạn Tourance, Số 03 đường Đồng Đa, Thành phố Đà Nẵng.
Lớp học: Áp dụng Kỹ thuật địa chất công trình, Cơ học đá trong xây dựng công trình ngầm, đập và mái dốc, ngày 28 tháng 7 năm 2013, tại trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Các kết quả hoạt động khác

Thi công kè chống sạt lở bờ biển Sầm Sơn – Khu du lịch nghỉ dưỡng FLC, tỉnh Thanh Hóa
Hiện tượng biển xâm thực gây sạt lở bờ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh thái cảnh quan, môi trường khu du lịch sinh thái Quảng Cư và bãi tắm C bờ biển Sầm Sơn mà còn
đe dọa đến tài sản, tính mạng nhân dân đang sinh sống tại xã Quảng Cư và phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn.
Thành viên chi hội đã đề xuất và thực hiện phương án thi công hợp lý, hạ cọc bằng phương pháp rung kết hợp xói nước, qua đó hoàn thành toàn bộ công trình trước mùa mưa bão 2015, được Chủ đầu tư đánh giá cao. Giải pháp thi công này đã được Chủ đầu tư cho nhân rộng áp dụng.
Xử lý nền đất yếu bằng bơm hút chân không – Khu du lịch nghỉ dưỡng FLC, tỉnh Thanh Hóa
Khu vực nền đất yếu dạng bùn cát pha có diện tích khoảng 3ha tại. Bề dày lớp bùn 3~4m trên diện rộng không thể tiến hành thi công các công trình đường giao thông và san lấp mặt bằng. Các phương án xử lý thông thường như giếng cát, bấc thấm đều tốn kém và cần thời gian xử lý kéo dài.
Thành viên chi hội đã đề xuất với Chủ đầu tư (FLC) và thi công xử lý thử bằng biện pháp bơm hút chân không, sử dụng hệ thống máy bơm chân không công suất lớn. Kết quả đạt được là toàn bộ 3ha đất yếu đạt yêu cầu kỹ thuật với tiến độ 23 ngày.  Các công trình san lấp, đường giao thông và hạ tầng liên quan nhờ đó đã được triển khai kịp tiến độ. Chủ đầu tư đã chấp thuận cho thi công đại trà.
Gia cố đất làm đường phục vụ vận chuyển cấu kiện siêu trường – siêu trọng tại công trường Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Nhà thầu chính (JCGS) cần gia cố đường tạm bằng đất cấp phối hiện hữu với diện tích 9000m2, nhằm đảm bảo độ bằng phẳng và sức chịu tải để vận chuyển các cấu kiện siêu trường – siêu trọng. Thành viên chi hội đã đề xuất với Nhà thầu chính JCGS phương án gia cố xi măng trộn tại chỗ bằng máy gia cố đất (stabilizer) Sakai và các thiết bị thi công đồng bộ.
Gia cố nền đất bằng xi măng trộn tại chỗ cho xe siêu trường siêu trọng
Kết quả đạt được: Gia cố 9000m2 đường đất đạt chất lượng hoàn thiện cao trong thời gian 3 ngày.  Công trình đã đưa vào sử dụng.
Nghiên cứu áp dụng phương pháp nén tĩnh cọc Bidirectional tại công trình Seabank Đà Nẵng
Công trình Trụ sở Ngân hàng Seabank chi nhánh Đà Nẵng nằm tại số 247-249 Nguyễn Văn Linh thành phố Đà Nẵng. Thiết kế sử dụng cọc khoan nhồi đường kính D800 (Ptn=7600kN) và D1000 (Ptn=9600kN). Do công trình có mặt bằng chật hẹp, không đủ diện tích để thực hiện thí nghiệm nén tĩnh sử dụng dàn chất tải. Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và tư vấn kỹ thuật nền móng công trình – thuộc Chi hội Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng đã đề xuất phương pháp nén tĩnh Bidirectional. Với phương pháp này, kích thủy lực trong thân cọc theo nguyên lý cân bằng lực. Cọc được gắn các strain gages để đo biến dạng dọc trục cọc và tính toán ma sát thành bên của cọc. Kết quả thí nghiệm đã thực hiện thành công và đang được tiếp tục áp dụng cho cọc khoan nhồi các công trình tương tự và công trình cầu trên địa bàn Đà Nẵng và khu vực Miền Trung.
Hình ảnh lắp đặt thiết bị thí nghiệm nén tĩnh Bidirectional tại Seabank Đà Nẵng
Thiết kế cọc đất xi măng theo phương pháp trộn sâu, công nghệ cho móng nhà cao tầng
Cọc đất xi măng thông thường áp dụng trong xử lý nền đất yếu cho nền đường, nền đường sắt, gia cố nền đất yếu cho công trình xây dựng. Đối với điều kiện đất nền thành phố Đà Nẵng có lớp đất cát trên bề mặt, chiều dày 10m đến 18m, sử dụng phương pháp trộn sâu ướt với hàm lượng xi măng 250 đến 350kg/m3 xi măng, cường độ nén nở hông q­u=(3-12)Mpa, do vậy cọc được thiết kế để chịu lực cho móng công trình. Áp dụng phương pháp tính toán của Nhật Bản, đã thiết kế áp dụng cọc đất xi măng cho các công trình tiêu biểu như: Chung cư Đại Địa Bảo (9 tầng) Chung cư An Trung 2 (12 tầng), Vĩnh Trung Plaza(15 tầng), Khách sạn Sanouva (17 tầng). Giải pháp cọc đất xi măng đã cho sức chịu tải của cọc đơn đạt từ (1000-1500)kN/cọc đơn và làm giảm giá thành xây dựng móng từ (30-50)% so với các giải pháp cọc ép thông thường và cọc khoan nhồi trong cùng điều kiện.
Năm 2015, thành viên của Chi hội VSSMGE Miền Trung đã tham gia thiết kế nền móng công trình Khu phức hợp văn phòng FPT tại quận Ngũ Hành Sơn thành phố Đà Nẵng. Công trình là một công trình xanh, tiết kiện năng lượng, kiến trúc 7 tầng sức chứa 10000 người, tải trọng cột 10.000kN. Giải pháp cọc đất xi măng đã được đề xuất áp dụng, tổng cộng hơn 3000 cọc đã được thi công hoàn thành, công trình tiết kiệm được kinh phí, tăng tiến độ và tận dụng được vật liệu tại chỗ, góp phần trong việc giảm tác động đến môi trường.
Móng cọc đất xi măng công trình FPT Complex
Tham dự Hội nghị – Hội thảo quốc tế
Chi Hội VSSMGE Miền trung cũng cử Hội viên tham dự và báo cáo tại các Hội nghị Cơ học toàn quốc, hội thảo khoa học quốc tế như 18ICSMGE, 5thiYGEC tại Pháp, 7thAYGEC tại Nhật Bản…, 02 Hội viên đạt giải thưởng MCCC-AAET của Viện Hàn Lâm kỹ thuật Đông Nam Á năm 2013 & 2014.

Các công tác chính sẽ triển khai trong năm 2017

Tổ chức thực hiện các chương trình, chiến lược của Hội VSSMGE đề xuất.
Tổ chức thu phí Hội viên, phối hợp với VSSMGE in thẻ Hội viên và phát triển hội viên.
Tổ chức các Hội nghị, Hội thảo chuyên đề, Seminar Khoa học về Địa kỹ thuật công trình.
Tham gia phản biện khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong khu vực miền Trung.

 

Chi Hội VSSMGE Miền Trung