Time capsule project – Dự án hộp thời gian của ISSMGE

Năm 2021, Hội CHĐ & ĐKTCT Thế giới ISSMGE đã khởi xướng một dự án nhằm nối kết các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai trong thực hành Địa kỹ thuật. Dự án có tên “Time capsule project” (TCP), được hiểu là “Dự án hộp thời gian”. Mặc dù phần lớn các hoạt động của dự án Time Capsule Project (TCP) thông qua các kênh chính thức, như các Tiểu ban Kỹ thuật (Technical Commit-tee) hay các Hội viên quốc gia, ý kiến của các kỹ sư trong công việc hàng ngày, nền tảng của thực tiễn, lại là điều tối quan trọng.Dự án nhằm liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai trong trong các lĩnh vực Địa kỹ thuật khác nhau, tại các quốc gia khác nhau. Hội CHĐ và ĐKTCT Thế giới khuyến khích tranh luận về các vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai trong Địa kỹ thuật, khuyến khích các hội viên quốc tế suy ngẫm về việc thực hiện các công trình địa kỹ thuật và nghĩ rằng mọi người đều có thể đóng góp như thế nào cho cuộc tranh luận này. TCP sẽ tập hợp các bài viết, trao đổi, các nghiên cứu về một chủ đề địa kỹ thuật thông qua lăng kính thời gian QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI và TƯƠNG LAI. Thông qua các chủ đề này, các hội viên sẽ có cơ hội nhìn lại những sự kiện trong quá khứ, những công cụ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề hiện tại, và những thách thức cũng như cơ hội cho tương lai.


Mục đích là như vậy nhưng khái niệm tương đối trừu tượng này khiến nhiều Hội thành viên bối rối. Chính vì vậy Chủ tịch VSSMGE, TS. Phùng Đức Long đã đề xuất một cuộc họp trực tuyến trong Hiệp hội các Hội địa kỹ thuật các nước Đông Nam Á (AGSSEA) nhằm làm rõ ý nghĩa của dự án TCP, cũng như vạch ra hành động chung của AGSSEA trong dự án này của ISSMGE.
Ngày 14/7/2021, cuộc họp trực tuyến của AGSSEA đã diễn ra dưới sự chủ trì của GS. Chih-Wei Lu (CTGS), chủ tịch AGSSEA, và cũng là chủ tịch Hội ĐKT Đài Loan Trung quốc. 14 đại biểu của 6 hội viên quốc gia đã tham dự buổi họp này. Về phía VSSMGE có các anh Phùng Đức Long, Phạm Văn Long và Hồ Đức An tham dự. Trong cuộc họp, TS. Geoff Chao (chủ tịch SEAGC và Hội ĐKT Thái Lan), GS. Jian Chu (chủ tịch hội ĐKT Singapore), Giáo sư Chih-Wei Lu (chủ tịch AGSSEA, và Hội ĐKT Đài Loan Trung quốc), TS. Mark Albert Zarco (chủ tịch hội ĐKT Phillipines, PSSMGE), và Tiến sĩ Phùng Đức Long (VSSMGE) đã đưa ra các ý tưởng và khái niệm của họ về kinh nghiệm trong quá khứ, thực tiễn hiện tại và sự phát triển trong tương lai của các đối tượng địa kỹ thuật. Các chủ đề được thảo luận là phương pháp bấc thoát nước thẳng đứng, ổn định của mái dốc do mưa lớn gây ra, bơm phụt (jet grouting), phân tích đàn-dẻo các hầm ngầm, móng cọc, và các thảm họa thiên nhiên. Vì các Hội thành viên có những thực hành khác nhau ở mỗi quốc gia, kinh nghiệm thu được có thể khác nhau tùy thuộc vào loại đất và công nghệ. GS. Chih-Wei Lu đã khuyến khích các thành viên AGSSEA hợp tác với nhau cho 2 chủ đề 1) phương pháp bấc thấm thoát nước thẳng đứng PVD, 2) thảm họa thiên nhiên trong thực hành địa kỹ thuật. Chủ đề PVD sẽ do TS Geoff Chao và GS. Jian Chu chủ trì. Còn chủ đề Thảm họa thiên nhiên trong thực hành địa kỹ thuật sẽ do GS. Tai-Tian WANG. Tất cả các thành viên hội đồng được hoan nghênh cung cấp những bài học kinh nghiệm trong quá khứ, các cách tiệp cận vấn đề ở hiện tại và cũng như những hướng phát triển trong tương lai các vấn đề địa kỹ thuật trên để biên soạn tài liệu cho TCP.

Hình 1. Họp trực tuyến AGSSEA về dự án Time capsule project của ISSMGE ngày 14/7/2021
Hình 2. Trình bày dự thảo TCP của Hội ĐKT Thái Lan về PP bấc thoát nước thẳng đứng.

Phùng Đức Long

Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam.

E-mail: [email protected]

Hồ Đức An

FECON. E-mail: [email protected]