Kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn Địa Kỹ thuật, ĐH GTVT

Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Bộ môn Địa Kỹ thuật – Trường ĐH GTVT
Ngày 11/11/2016 tại Hà Nội, bộ môn Địa kỹ thuật thuộc khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập.
Tiền thân là Bộ môn Cơ – Địa (Cơ học đất – Địa chất) được thành lập vào năm 1966, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, bộ môn Địa kỹ thuật đã trở thành một trong những Bộ môn lớn của khoa Công trình, trường Đại học Giao thông Vận tải; vừa tham gia giảng dạy các môn cơ sở ngành ở bậc đại học, sau đại học cho các ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông và Kỹ thuật Xây dựng; đồng thời Bộ môn còn đảm nhiệm công tác đào tạo chuyên ngành đặc thù riêng ở các bậc đại học và sau đại học; trở thành đơn vị có uy tín trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ thuộc lĩnh vực địa kỹ thuật xây dựng.
Hiện nay, Bộ môn quản lý và đào tạo 2 bậc: Bậc đại học cho các sinh viên chuyên ngành Địa Kỹ thuật công trình giao thông thuộc ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông – Thực chất là đào tạo kỹ sư có bằng Xây dựng Cầu Đường có thêm kiến thức sâu hơn về lĩnh vực nền móng công trình; Bậc sau đại học, gồm hệ Cao học và Nghiên cứu sinh với các văn bằng Thạc sỹ và Tiến sỹ ngành Kỹ thuật Xây dựng công trình giao thông chuyên sâu Địa Kỹ thuật công trình giao thông.
Trong 50 năm xây dựng phát triển và 14 năm đào tạo chuyên ngành Địa Kỹ thuật công trình giao thông, đến nay đã có trên 500 kỹ sư chuyên ngành ra trường. Với những thành tích đã đạt được, các thế hệ cán bộ nói riêng, tập thể Bộ môn Địa Kỹ thuật nói chung đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các bộ/ngành trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến hạng Hai, Huân chương Lao động hạng Ba, các Bằng khen của Bộ Giáo dục & Đào tạo hay Bộ GTVT, các danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, bộ môn Địa Kỹ thuật sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên có năng lực chuyên môn cao, kết hợp giữa lý thuyết và kinh nghiệm qua những công trình thực tế; đổi mới phương thức đào tạo; tăng cường công tác hợp tác, trao đổi học thuật với các đơn vị trong và ngoài nước; xây dựng và phát triển các phòng thí nghiệm hiện đại; kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đặc biệt là các Hội nghề nghiệp chuyên ngành như Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Hội địa chất công trình và Môi trường Việt Nam … nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực địa kỹ thuật của Bộ môn

Nguyễn Đức Mạnh, Bộ môn Địa kỹ thuật – Đại học GTVT