Hội nghị Cơ học đá Châu Á lần thứ 12 (ARMS12), 23- 24 tháng 11/2022 tại Hà Nội – Giao lưu hợp tác giữa VSSMGE với ISRM

Trong hai ngày 23-24/11/2022 Hội Cơ học đá Việt Nam (VSRM) phối hợp với Hội Cơ học đá và Công trình đá quốc tế (ISRM= International Society for Rock Mechanics and Rock Engineering) và Trường Đại học Dầu khí Việt Nam (PVU) tổ chức Hội nghị khoa học quốc tế Cơ học đá châu Á lần thứ 12 (ARMS12) với chủ đề “Cơ học đá và công trình – Những vấn đề đương đại” tại Khách sạn Quân Đội (Army Hotel), Hà Nội. Tham dự hội nghị có gần 100 đại biểu là các nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên đại học trong và ngoài nước. Trong số các vị khách quốc tế, có GS. Reşat Ulusay (Đại học Hacettepe, Thổ Nhĩ kỳ), chủ tịch Hội Cơ học đá Thế giới (ISRM); GS. Seokwon Jeon (Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc), chủ tịch mới đắc cử của Hội Cơ học đá Thế giới; TS. Suseno Kramadibrata từ Indonesia, Phó Chủ tịch ISRM, phụ trách khu vực châu Á; GS. Sergio Fontoura, nguyên Phó Chủ tịch hội ISRM, phụ trách khu vực Mỹ La tinh; TS. Mahendra Singh, Chủ tịch Hội Cơ học đá Ấn Độ v.v.., xem Hình 1. Với chủ đề của Hội nghị là “Cơ học đá và công trình – Những vấn đề đương đại”, nhiều trình bày mang đậm tính cơ học đá/địa kỹ thuật thực hành, liên quan đến sự ổn định công trình trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở và hạ tầng năng lượng như thủy điện, giao thông, khai thác mỏ, tai biến địa chất, địa cơ học các vỉa hydocarbon, một số vấn đề về thăm dò và khai thác dầu khí v.v… Hai bài giảng quan trọng của GS. Reşat Ulusay (Rock Chacracterization, Testing and Future Trends: Highlighting the ISRM Suggested Methods) và GS. Seokwon Jeon (Advances in Rock Excavation Technology) đã mở đầu Hội Nghị ARMS12 một cách hấp dẫn, thú vị, sôi nổi với những tổng kết và định hướng phát triển trong cơ học và công trình đá.

Hình 1. Các đại biểu tham gia Hội nghị quốc tế Cơ học đá châu Á lần thứ 12 (ARMS12) tại Hà Nội

Bên cạnh những tiểu ban khoa học, trao đổi và tiếp xúc ngoài lề giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý nhằm phát triển liên kết trong và ngoài nước là một hoạt động thông dụng và quan trọng, có thể mang lại hiệu quả rất lớn trong hợp tác quốc tế. Được mời tham dự hội nghị, TS. Phùng Đức Long, chủ tịch VSSMGE, đã có những giao lưu thân mật với nhiều đại biểu tham dự hội nghị, đặc biệt là cuộc gặp gỡ nói chuyện với hai vị chủ tịch đương nhiệm và chủ tịch mới đắc cử của ISRM về khả năng hợp tác giữa VSSMGE và ISRM cũng như VSRM, cũng như mời họ tham dự Hội Nghị Geotech Hanoi 2023, sẽ được tổ chức vào tháng 12/2023 tại Hà Nội, Hình 2.

Hình 2. Các đại biểu trao đổi trong bữa ăn trưa, từ trái sang phải: TS. Phạm Huy Giao, ĐHDK & VSSMGE; TS. Phùng Đức Long, chủ tịch VSSMGE; GS. Reşat Ulusay, chủ tịch ISRM; GS. Seokwon Jeon chủ tịch mới đắc cử ISRM; TS. Suseno Kramadibrata, phó chủ tịch ISRM châu Á; một đại biểu Indonesia.

Trên thế giới hiện nay, do số lượng hội viên của nhiều hội khoa học & kỹ thuât giảm, số lượng hội mới tăng lên, các vấn đề nghiên cứu và thực hành mang tính liên ngành ngày càng nhiều, nên xu hướng hợp tác phối hợp giữa các hội lâu đời, truyền thống trở nên ngày một phổ biến. Ví dụ như việc đồng tổ chức các hội nghị thường niên và chuyên đề đang diễn ra ngày một nhiều hơn. Ảnh hưởng hậu COVID19 đến công tác tổ chức các hội nghị quốc tế rất rõ: số người tham gia trực tiếp có xu hướng giảm đi, trong khi số lượng sẵn sàng tham gia trực tuyến ngày một nhiều hơn.
Những trao đổi về nghiên cứu đất yếu, đá cứng, đất nông, đá sâu v.v… trong phát triển hạ tầng cơ sở và dịch chuyển năng lượng chỉ ra nhiều không gian hợp tác trong tương lai của VSSMGE với ISRM nói chung và VSRM nói riêng. Một hợp tác cụ thể khác với ISRM được Đại Học Dầu Khí đề nghị là phục hồi lại Nhóm Công Tác (working group/commission) của ISRM về Địa cơ học các vỉa chứa dầu khí (Petroleum Reservoir Mechanics) với ĐHDK và VSRM là nòng cốt. Trước thực tế là hơn 80% dầu thô của Việt Nam trong nhiều năm được khai thác từ độ sâu lớn tới 3-4 km trong tầng đá gốc granit nứt nẻ (the fractured granite basement reservoir), như mỏ Bạch Hổ (the White Tiger Field) ở bể Cửu Long tại thềm lục địa phía nam Việt Nam, cả hai vị chủ tịch ISRM đều rất quan tâm và hứa sẽ xem xét tích cực nhằm tổ chức lại nhóm công tác này.

Phạm Huy Giao

VSSMGE & PVU. E-mail: [email protected]

Phùng Đức Long

VSSMGE. E-mail: [email protected]