Hồi ký về các nhà Địa Kỹ Thuật quốc tế tới Việt Nam

Hội CHĐ & ĐKTCT VN chính thức được thành lập vào năm 1984. Nhưng tiền thân của Hội là Tổ Cơ học đất và Nền móng đã ra đời từ đầu những năm 1960. Cũng ngay từ những năm 60-70, đã có những hoạt động quốc tế đánh dấu bởi những chuyến thăm của các nhà địa kỹ thuật nổi tiếng thế giới như GS. N.N Maslov (Liên xô cũ) năm 1962, GS. Habib (Pháp) năm 1979, GS. S. Hansbo và B. Broms (Thụy Điển) năm 1979.

Chuyện Nhà C1 Đại học Bách khoa Hà Nội, với GS. N.N. Maslov

Giáo sư N.N. Maslov (1898- 1986)

Chúng tôi là lớp sinh viên khóa 1, khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa, một trong những trường Đại học lớn được khai trương sau hòa bình, năm 1954. Đấy là ngôi trường gồm các ngôi nhà của khu học xá Đông Dương cũ dùng làm giảng đường cho cả khoa và một số nhà cấp 4 dùng làm lớp học và chữa bài tập. Cổng chính của trường lúc bấy giờ mở phía đường Bạch Mai.
Số sinh viên của trường ngày càng nhiều nên cơ sở trường lớp cũ không đủ đáp ứng. Đầu những năm 1960, được sự giúp đỡ của Liên xô, trường bắt đầu xây dựng cơ sở mới với cổng chính cong hình parabol hướng ra đường Giải phóng mà sinh viên thường gọi vui là cổng “tò vò”. Trong các ngôi nhà mới, nhà C1 là lớn hơn cả.
Theo thiết kế ban đầu nhà C1 có 5 tầng trên mặt đất và một tầng bán hầm với phần dưới mặt đất sâu khoảng 3m. Nghe nói ý đồ thiết kế ban đầu là đào bỏ lớp đất tương đối yếu, và móng sẽ được đặt trực tiếp lên lớp đất tốt hơn để thõa mãn điều kiện cường độ của đất và độ lún của nhà.
Giáo sư N.N. Maslov (1898- 1986)
Khi bắt đầu đào móng thì vấn đề Địa kỹ thuật phức tạp xuất hiện: phải có cừ để giữ thành hố và thiết kế hệ thống bơm hút nước ra khỏi hố do nhà C1 nằm gần hồ lớn của công viên Thống nhất. Điều này dẫn đến chi phí và thời gian thi công tăng lên. Vấn đề nói trên được thảo luận rất sôi nổi trong bộ môn Cơ học đất và Nền móng để góp ý cho phía thiết kế Liên xô. Trong bộ môn lúc bấy giờ có các thầy Nguyễn Văn Quỳ, Dương văn Thành, Hoàng văn Tân, Vũ công Ngữ, Lê đức Thắng v.v. Việc này rất thuận lợi vì thầy Quỳ trước học và lấy bằng phó tiến sỹ (bây giờ gọi là Tiến sỹ) ở Nga, rất giỏi tiếng Nga. Nghe nói trước khi làm nghiên cứu sinh do yêu cầu trong nước, thầy Quỳ đã học tiếng Nga gần 3 năm. Thầy có thể nghe và nói tiếng Nga với người Nga, phát âm theo giọng địa phương của họ, như ở ta người Hà nội phân biệt rõ được giọng Nghệ An, Quảng Bình.
Khoảng năm 1962, nhân chuyến công tác của giáo sư N.N. Maslov sang Ai Cập để xử lý một số vấn đề kỹ thuật của đập Aswan mới, tiếng Ai Cập gọi là Sadd al-Ali, ông đã ghé qua Việt nam để xem xét phương pháp thi công nhà C1 nói trên. Sau khi khảo sát hiện trường tại chỗ đào thử hố móng và thực hiện khoan bổ sung một số lỗ khoan tại góc, cạnh và giữa nền nhà C1, giáo sư N.N. Maslov đã đề xuất phương án mới để làm móng cho nhà này. Những điểm chính của phương án này là: bỏ tầng hầm chuyển sang làm móng nông sau khi thực hiện gia tải trước do lớp đất tương đối yếu không dày lắm nằm gần mặt đất tự nhiên. Như vậy, thay vì phải đào sâu 3m bây giờ phải chở cát đến để đắp cao chừng ấy mét trên toàn bộ mặt bằng nhà C1. Thầy gọi là phương pháp gia tải trước, với quan trắc lún nền đất tại một số mốc đo đặt trong nền và trên mặt đất. Đất nền lún dần theo thời gian và quá trình cố kết kết thúc khoảng gần 2 năm sau đó khi độ lún không tăng đáng kể theo thời gian nữa. Nhà C1 qua thời gian sử dụng không xảy ra những biến dạng nào đáng kể !
Với bọn trẻ chúng tôi vừa mới ra trường được thấy tận mắt những điều đã học trên thực tế nên rất phấn khích và có ấn tượng mạnh mẽ khi biết giáo sư Maslov là một trong những nhà khoa học lớn của Nga trong lĩnh vực Địa kỹ thuật công trình, nhất là khi nghe giáo sư giới thiệu sơ một số kỹ thuật mà chính giáo sư chỉ đạo thực hiện để xử lý nền đập Aswan, ở đó họ phải bơm một lượng lớn xi măng và phụ gia đặc biệt vào khối đá nứt nẻ ở chân đập để chống thấm. Đập Aswan là dự án xây dựng gây tranh cãi nhất của Ai Cập hiện đại. Bắt đầu vào năm 1960 và hoàn thành sau 11 năm, con đập là thành tựu lớn nhất của Tổng thống Nasser đã đạt được thông qua sự tài trợ và giúp đỡ kỹ thuật từ Liên Xô. Nghe xong chúng tôi tự so sánh hai cách giải quyết của giáo sư ở Ai Cập và Việt Nam và nghĩ bụng: GS. N.N. Maslov chẳng những có tài mổ trâu mà còn có nghệ thuật mổ gà! Giáo sư N.N Maslov là trưởng bộ môn Cơ học đất và Nền móng của trường Cầu Đường Mát scơ va, viết tắt theo tiếng Nga lúc ấy là МАДИ (MAĐI), ở đó có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt nam học tập. Giáo sư là thầy hướng dẫn một số nghiên cứu sinh Việt nam lấy học vị khoa học, như Nguyễn Trấp (Viện Khoa học và Công nghệ Xây dựng) lấy học vị Tiến sỹ và Nguyễn Thơ (Viện nghiên cứu Thủy lợi) lấy học vị Tiến sỹ khoa học v.v.

Chuyện về khách sạn Hà nội 11 tầng Giảng võ, với GS. Pierre Habib

Hà nội đầu những năm 1970 nhà ở được xây dựng bằng phương pháp lắp ghép. Các khu tập thể Văn Chương, Yên Lãng, Trương Định, v.v làm nhà lắp ghép 2 tầng bằng tấm nhỏ bê tông cốt thép, dân kỹ thuật gọi đùa là nhà “chuồng chim”. Còn các khu Trung Tự, Kim Liên, Giảng Võ, v.v. thì cao 5 tầng, lắp ghép bằng tấm lớn bê tông cốt thép. Lúc bấy giờ được phân hoặc được mua một căn hộ nhà lắp ghép là giấc mơ của đám ở nhà cấp 4 như bọn chúng tôi.
Đến năm 1979, do muốn phát triển thành phố đa dạng hơn, Ủy ban hành chính Hà Nội đầu tư xây một lúc 2 khách sạn 11 tầng cạnh hồ Giảng võ: một cái gần phía đường Giảng võ do Viện Khoa học và Công nghệ Bộ Xây dựng thiết kế, cái kia gần đầu nhà B6 do một đơn vị khác cũng của Bộ Xây dựng thực hiện.
Phần lớn bề mặt khu Giảng võ được phủ bởi một lớp đất đắp dày khoảng hơn 1m lấy từ đào hồ Giảng Võ. Bây giờ nghĩ lại mới thấy một số nhà làm móng nông đặt lên lớp đất lấp này bị lún rất lớn, gây ra biến dạng không cho phép như nứt tách ở kết cấu cầu thang, phải dùng thép hình để chống đỡ, hay nghiêng mạnh chỗ khe lún giữa các đơn nguyên. Nhà B6, là một ví dụ, phải dỡ bỏ để xây mới. (Nghe nói tới nay vẫn chưa xây xong !). Có một nhà khu D của Giảng võ dùng cọc tháp, còn gọi là cọc nêm, dài khoảng 3m để làm móng với hy vọng nhờ hiệu ứng nêm sẽ làm chặt lớp đất đắp nêu trên, nhưng nhà này vẫn lún và gây nứt khu vực cầu thang tuy không nghiêm trọng (?).
Tòa nhà 11 tầng thứ nhất, khách sạn Hà nội ở Giảng võ hiện nay, do Viện KH & CNXD thiết kế: kiến trúc do kiến trúc sư Huỳnh Thanh Xuân phụ trách, kết cấu do Viện phó, TS. Hoàng như Sáu chủ trì. Phần móng công trình do phòng Cơ học đất-Nền móng của Viện thiết kế, với đội ngũ kỹ sư trẻ lúc bấy giờ gồm: Nguyễn Trường Tiến, Nguyễn Anh Dũng, Phùng Đức Long. Phương án móng được lựa chọn là dùng 144 cọc bê tông cốt thép dài 11m đóng sâu tới lớp cát bụi sao cho đầu cọc âm khoảng 2m để loại bỏ lớp đất đắp ở phía trên và tạo ra một tầng bán hầm dùng làm kho và bể chứa nước dùng cho khách sạn. Các kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của phòng Cơ học Đất – Nền móng đã tham gia giám sát thi công đóng cọc và tiến hành thí nghiệm nén tĩnh cọc tại hiện trường. Tòa nhà khách sạn tuy chỉ cao 11 tầng nhưng là tòa nhà cao nhất thủ đô và có lẽ cao nhất cả Miền Bắc lúc bấy giờ.

GS. Pierre Habib (Pháp)

Câu chuyện lý thú về tòa nhà 11 tầng thứ hai, do một đơn vị bạn trong Bộ Xây dựng thiết kế trên cọc cát và do LICOGI thi công, có liên quan đến GS. Pierre Habib (Pháp). Do có quan hệ nào đó nên Thứ trưởng Bộ Xây dựng lúc bấy giờ, GS. Bùi Văn Các đã mời GS. Habib, lúc bấy giờ là chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Pháp CFMS, làm việc với Bộ Xây dựng và đến thăm Viện KH & CNXD. Nhân dịp này GS. Habib được nghe trình bày về thiết kế móng của 2 nhà 11 tầng nêu trên và đi thăm hiện trường. Người dịch cho chúng tôi nghe lại chính là GS. Bùi Văn Các. Nghe nói giáo sư tốt nghiệp trường Giao thông Công chính Đông Dương, cùng khóa với Hoàng thân Xu Pha Nu Vông (Lào). Giáo sư Các rất yêu khoa học và khuyến khích cán bộ làm nghiên cứu. Nhớ lại, trong một lần họp giao ban trên Bộ, đồng chí Bộ trưởng nói: thứ trưởng Các là người có tài, ai có vấn đề gì mắc míu kỹ thuật cứ hỏi thứ trưởng Các. Đáp lại thứ trưởng nói vui bằng cách nhắc lại chuyện xưa “Vua khen thằng Các có tài, thưởng cho nén bạc với hai quan tiền”.
Trên hiện trường khi đó đã bắt đầu thi công móng. Một bên đang đóng cọc bê tông cốt thép còn bên kia đã làm xong cọc cát và đào hố móng sâu khoảng 2m và ngập nước nên không thấy gì. Đội bạn trình bày nguyên lý thiết kế cọc cát với ý đất sẽ được nén chặt và cường độ của đất tăng lên, độ lún nhỏ. GS. Habib nói với sét mềm khi hạ ống và nhồi cát một phần đất bị trồi lên nên thể tích đất không giảm bằng lượng cát chiếm chỗ, có trường hợp không thể nén được khi gặp đất sét dẻo no nước. Vậy các bạn đã làm thí nghiệm kiểm tra độ chặt của đất sau khi đóng cọc cát chưa? GS. Habib hỏi. Đội bạn lúng túng và trả lời bằng tiếng Pháp với nghĩa rằng chưa làm thí nghiệm kiểm tra! GS. Bùi văn Các nghe được và bình luận một câu rất vui làm cho chúng tôi đến bây giờ vẫn còn nhớ. Ông bảo: “công tác kiểm tra chưa được thực hiện mà dám trả lời bằng động từ chia ở thì quá khứ !”(ý ông nói là công tác đó đã được làm.) 😊
Buổi chiều hôm đó, khi quay trở lại Viện KH & CNXD giáo sư Habib tỏ ra rất băn khoăn về phương án cọc. Sau khi về nước, Giáo sư Habib có viết và gửi cho GS. Bùi Văn Các một bài báo về phương pháp móng cọc cát nêu trên. Không biết có phải do ý kiến không tin cậy của GS. Habib về hiệu quả của cọc cát chưa được kiểm tra hay không mà nhà 11 tầng thứ hai này không xây dựng nữa. GS. Pierre Habib là chủ tịch Hội Cơ học đá quốc tế ISRM từ năm 1974 đến 1979. Ông cũng là chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Pháp CFMS từ năm 1978 đến 1982.

Nguyễn Bá Kế
Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng.
E-mail: [email protected]