Hội cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam (VSSMGE) – Quá trình hình thành và phát triển (1960-2022)

VSSMGE – Society History

Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt nam (Hội CHĐ&ĐKTCT VN), là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ của Hội với chức năng chính là Tư vấn – Phản biện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ của Hội viên.

LỊCH SỬ THÀNH LẬP VÀ CÁC KỲ ĐẠI HỘI

Đại Hội toàn quốc Lần thứ nhất

Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt nam (Hội CHĐ&ĐKTCT VN), có tên tiếng Anh là Vietnamese Society for Soil Mechanics & Geotechnical Engineering (VSSMGE), được chính thức thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 1984, khi đó mang tên “Phân hội Cơ học đất – Nền móng Việt Nam”. Tại Đại hội lần thứ nhất, Hội đã bầu ra vị chủ tịch đầu tiên là cố GS. Lê Quý An, lúc bấy giờ là Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải, và hai phó chủ tịch là Nguyễn Thược (kiêm tổng thư ký của Hội) và Nguyễn Bá Kế. Trong Hình 1, Chủ tịch Hội Lê Quý An (đứng giữa) phát biểu, còn các phó chủ tịch Nguyễn Thược và Nguyễn Bá Kế ngồi trên chủ tịch đoàn, lần lươt đầu tiên và thứ hai từ trái sang.

Hình 1. Đại hội lần thứ nhất ngày 25/12/1984 thành lập Phân hội Cơ học đất – Nền móng Việt Nam

Thực ra, tiền thân của Hội CHĐ & ĐKTCT VN là “Tổ Cơ học đất và Nền móng” đã ra đời từ đầu những năm 1960, hoạt động trong Ban Khoa học Kỹ thuật của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Ngay sau khi thành lập Tổ, theo sáng kiến của Giáo sư Bùi văn Các với sự ủng hộ của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, lúc bấy giờ là chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, đã tổ chức Hội nghị Cơ học đất và Nền móng toàn Miền bắc lần thứ nhất vào cuối năm 1962. Sáu năm sau, vào năm 1968, được sự bảo trợ của Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Hội nghị Địa chất công trình và Cơ học đất- Nền móng toàn Miền bắc lần thứ hai đã được tổ chức, với gần 500 người tham dự, ngoài các cán bộ chuyên môn còn có cán bộ quản lý các ngành xây dựng (dân dụng và công nghiêp), giao thông, thuỷ lợi, v.v. Do yêu cầu công tác tư vấn, tháng 10 năm 1979, tại 303 Đội Cấn, trụ sở Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, “Tổ học thuật Cơ học đất Nền móng” đã được thành lập do ông Lê Quý An (Đại học Giao thông vận tải) làm tổ trưởng với hai tổ phó là các ông Lê đức Thắng (Đại học Xây dựng Hà nội) và Nguyễn Công Mẫn (Đại học Thuỷ lợi).
Các thành viên sáng lập của Tổ học thuật lúc bấy giờ gồm một số cán bộ giảng dạy của các trường Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải và Đại học Thuỷ lợi, cũng như các cán bộ nghiên cứu tại các viện nghiên cứu khoa học xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, trong đó phải kể đến các nhà khoa học: Nguyễn văn Quỳ, Dương quang Thành, Chu thường Dân, Nguyễn Công Mẫn, Vũ công Ngữ, Lê Đức Thắng, Nguyễn văn Quảng, Nguyễn Thược, Nguyễn Bá Kế, và Võ Cang (thư ký của Tổ) v.v.
Được sự giới thiệu của các bạn Thuỵ điển, năm 1985, Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE) đã trở thành hội viên chính thức của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Thế giới (ISSMGE) với 28 hội viên cá nhân.

Đại Hội toàn quốc Lần thứ hai Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE)

Đại hội được tổ chức vào ngày 15/1/2000 tại Hà Nội. Tên hội lần này chính thức được đổi thành Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt nam. Tại Đại Hội lần này cố GS Lê Quý An được bầu lại làm Chủ tịch Hội, cùng Nguyễn Bá Kế, Phó Chủ tịch, và Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Nhiệm kỳ Ban chấp hành quy định là 5 năm. Theo đăng ký, tổng số hội viên lúc này là 132, trong đó Ban chấp hành có 23 ủy viên theo QĐ số 20/TWH ngày 31 tháng 1 năm 2000. Cần phải ghi nhận những đóng góp to lớn của cố PGS.TS. Nguyễn Trường Tiến từ thập niên 1990 cho đến lúc mất vào 2014. Trong thời gian này, ông đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký (không chính thức từ năm 1997) và sau đó là chủ tịch Hội VSSMGE. Các hoạt động của Hội có nhiều khởi sắc: Viện Địa kỹ thuật (VGI) được thành lập; tạp chí Địa kỹ thuật của Hội VSSMGE ra đời; Hội CHĐ & ĐKTCT tích cực tham gia các Hội nghị, Hội thảo khu vực và quốc tế; các Hội thảo và các lớp học chuyên đề trong nước được tổ chức, v.v. Cũng khoảng thời gian này, với sự giúp đỡ của GS. D.W. Fredlund (Canada) nhiều hội viên ngành Thuỷ lợi đã được đào tạo học vị tiến sĩ và thạc sĩ. Môn Cơ học đất không bão hoà mà GS. Fredlund là một trong những nhà khoa học tiên phong, đã hấp dẫn không ít những người hoạt động trong lĩnh vực Địa kỹ thuật ở Việt nam.
Năm 2007, Hội CHĐ & ĐKTCT VN trở thành một trong bảy thành viên sáng lập Hiệp hội các Hội địa kỹ thuật Đông Nam Á (The Association of Geotechnical Societies in Southeast Asia, AGSSEA). Hiệp hội AGSSEA gồm: Hội ĐKT Đông Nam Á (SEAGS), Hội Địa Kỹ thuật Malaysia (MGS), Hội ĐKT Đài Loan Trung Quốc (CTGS), Hội ĐKT Singapore (GeoSS), Hội ĐKT Hong Kong (HKGES), Hội ĐKT Indonesian (HATTI), Hội ĐKT Thái Lan (TGS), và Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE).
Năm 2005, sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, chủ tịch Hội Lê Quý An qua đời thọ 75 tuổi (1930-2005). Hội đã bầu chủ tịch mới Nguyễn Trường Tiến và Tổng thư ký Trịnh Minh Thụ.

Đại Hội toàn quốc Lần thứ ba

Đại hội được tổ chức vào ngày 18/6/2010 tại Hà Nội. Tại Đại Hội lần này cố GS Nguyễn Trường Tiến được bầu là Chủ tịch Hội; cùng các Phó Chủ tịch Lê Đức Thắng và Phùng Đức Long; và Tổng Thư ký là Nguyễn Công Giang. Ông Mai Triệu Quang đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội từ 2013-2016, Hình 2a và 2b.
Ngày 16/10/2014, cố chủ tịch Hội Nguyễn Trường Tiến đột ngột qua đời do bệnh nặng. Trong cuộc họp bất thường ngày 7/11/2014, BCH Hội đã bầu TS Phùng Đức Long làm Chủ tịch Hội, cùng các Phó CT: PGS.TS. Lê Đức Thắng, GS.TS. Trịnh Minh Thụ và TS. Nguyễn Anh Dũng.

Đại hội Toàn quốc Lần thứ tư

Đại hội được triệu tập, ngày 25/3/2016 tại Hà Nội, với sự tham gia của gần 300 đại biểu từ mọi miền đất nước. Tại Đại hội, Ban chấp hành mới với 61 ủy viên đã được bầu ra. BCH Hội đã bầu ông Phùng Đức Long là Chủ tịch Hội, cùng các Phó CT: Trịnh Minh Thụ, Phạm Văn Long, Nguyễn Anh Dũng, và Phạm Việt Khoa, và Tổng thư ký Hoàng Việt Hùng, Hình 3.
Với vai trò chủ tịch Hội Cơ học Đất và Địa kỹ thuật Công trình Việt Nam, TS Phùng Đức Long đã cố gắng cải cách sâu rộng tổ chức Hội. 12 Tiểu ban chức năng và chuyên môn được thành lập gồm: Hợp tác quốc tế, Đối nội, Phát triển Hội viên, Khoa Học, Hội thảo & Đào tạo, Hoạt động doanh nghiệp, Tài chính, Thông tin Truyền thông, Hợp tác Phát triển, Khen thưởng, Ban Thư ký và Ban kiểm tra. Công tác truyền thông của Hội được chú trọng: trang web của Hội được xây dựng lại, và đặc biệt bản tin hội VSSMGE Bulletin được chính thức phát hành 6 tháng một lần từ giữa năm 2021. Công tác phát triển hội viên được khuyến khích. Chủ tịch đương nhiệm đã mở ra hướng hợp tác quốc tế sâu rộng. Với kinh nghiệm hoạt động quốc tế hàng chục năm, cộng với gần hai mươi năm học tập và công tác tại nước ngoài, TS Phùng Đức Long đã thiết lập và phát triển mạng lưới quan hệ quốc tế cho Hội và đã tổ chức thành công nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, đặc biệt là chuỗi hội nghị Geotec Hanoi: GH2011, GH2013, GH2016, GH2019 và sắp tới GH2023, cũng như hội thảo khoa học “Phương pháp số trong Địa kỹ thuật” NAG2015 và NAG2018. Các hội nghị hội thảo này đã thu hút hàng nghìn lượt đại biểu quốc tế tham dự, tạo dựng uy tín của Hội trong khu vực và trên thế giới.

Hình 2a. Đại hội lần thứ 3, ngày 18/6/2010. Khách quốc tế tham dự Hội thảo VGD2010.
Hình 2b. Đại hội lần thứ 3, ngày 18/6/2010. Từ trái sang phải: TTK Hội Nguyễn Công Giang, các Phó CT Hội Phùng Đức Long, Nguyễn Bá Kế, Lê Đức Thắng; Chủ tịch Hội Nguyễn Trường Tiến, chủ tịch Tổng hội XD VN Nguyễn Mạnh Kiểm, Phó CT Hội Trịnh Minh Thụ.
Hình 3. Đại hội lần thứ 4, ngày 25/3/2016. Ban chấp hành mới của Hội CHĐ & ĐKTCTVN.

TÍCH CỰC THAM GIA HOẠT ĐỘNG CỦA TỔNG HỘI XDVN VÀ LIÊN HIỆP CÁC HỘI KH & KT VN

Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam là thành viên của Tổng hội Xây dựng Việt Nam và luôn luôn tham gia tích cực các hoạt động của Tổng Hội. Trong kế hoạch làm việc của chủ tịch Tổng hội XD VN, TS. Đặng Việt Dũng, sáng ngày 08/4/2021 Tổng Hội đã có buổi làm việc với Hội tại trường ĐH Thủy Lợi Hà Nội, Hình 4. Hưởng ứng chủ trương thành lập ngân hàng dữ liệu chuyên gia của Tổng Hội XD VN trong nhiệm vu nghiên cứu khoa học và phản biện xã hội thuộc lĩnh vực xây dựng, Hội CHĐ & ĐKTCT đã đề xuất danh sách 12 chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên sâu: Nền móng công trình; Xử lý nền đất yếu; Ổn định mái dốc, sạt lở, xói mòn; Hầm và công trình ngầm; ĐKT công trình biển; Giacường nền móng công trình; Quan trắc ĐKT và ĐKT môi trường. Kết thúc năm 2021, Hội đã được Tổng hội tặng bằng khen vì “đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác của Tổng hội XDVN năm 2021”. Chủ tịch Hội, TS Phùng Đức Long cũng vinh dự được Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật VN tặng bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2020-2021 góp phần phát triển Liên hiệp các Hội KH & KH VN”.

Hình 4. Hội VSSMGE làm việc với chủ tịch Tổng Hội Xây dựng TS Đặng Việt Dũng, ngày 25/3/2021.

PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN

Tại Đại hội lần thứ 2, 15-01-2000, theo đăng ký, tổng số hội viên của Hội là 132. Tại Đại hội lần thứ 3, 18-06-2010, Hội đã có 239 hội viên. Đến Đại hội lần thứ 4, 18-06-2016 Hội có 277 hội viên. Số Hội viên của Hội tang đều đặn hàng năm: năm 2018: 290, năm 2019: 297 (+7), năm 2020: 306 (+9), năm 2021: 323 (+17), Hình 5a. Cũng trong khoảng thời gian này, số hội viên quốc tế của Hội tăng từ 30 lên 70, Hình 5b. Hiên nay công tác phát triển hội viên là một trong các nhiệm vụ hàng đầu của Hội.

Hình 5a. Số lượng hội viên của VSSMGE tăng mạnh trong thời gian gần đây
Hình 5a. Số lượng hội viên quốc tế của VSSMGE cũng tăng mạnh sau 2015

CÔNG TÁC KẾT NỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP

Công tác kết nối với các doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội. Hội viên doanh nghiệp (HVDN) là một bộ phận chưa được chú ý thỏa đáng trong hoạt động của Hội. Sự thiếu vắng cơ chế cho các HVDN và các hoạt động gắn liền với doanh nghiệp đã hạn chế đi tiềm năng của Hội. Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Hội là nơi quy tụ đông đảo những chuyên gia trong ngành và đã khẳng định uy tín của mình trong những năm qua. Hội hoàn toàn có thể có vai trò quan trọng cho mục đích kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, hoặc doanh nghiệp với chuyên gia, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước v.v. BCH Hội đang xây dựng lộ trình để từng bước phát triển các HVDN, trước tiên là xây dựng khung pháp lý cho HVDN và tổ chức các hoạt động tạo ra sân chơi cho các HVDN. Tiểu ban “Hoạt động Doanh nghiệp” của Hội đang thu thập lại thông tin các hội viên doanh nghiệp hiện có của Hội và khởi động lại Câu lạc bộ (CLB) doanh nghiệp của Hội.

CÔNG TÁC THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG

Trong hoạt đông của Hội, công tác truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng. Với sự phát triển của kỹ thuật và công nghệ, máy tính và điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến. Công tác truyền thông trở nên dễ dàng hơn với trang web hay các mạng xã hội. Trang web của Hội đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm, có lúc phải thay đổi cả tên miền, nay đã ổn định. Hiện nay các hội viên có thể tự cập nhật thông tin cá nhân của mình và tìm kiếm các hội viên khác thông qua công cụ “search” trên trang web của Hội. Trang web của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam VSSMGE có địa chỉ chính thức là: www.vssmge.org, Hình 6.
Mạng xã hội Facebook cũng là một kênh cập nhật thông tin kịp thời và rộng rãi về các hoạt động của Hội tới các Hội viên và những người quan tâm. Hiện nay có 2.409 người theo dõi trang Fanpage của Hội, www.facebook.com/Vssmge.
Từ giữa năm 2021, Bản tin Hội VSSMGE Bulletin được phát hành định kỳ 2 số trong năm, Hình 7. Hai số đầu tiên: Bản tin số 1 được phát hành ngày 15/6/2021 (gồm 20 bài viết trong 86 trang) và bản tin số 2, phát hành ngày 15/12/2021 (gồm 27 bài viết trên 100 trang), đã thu được rất nhiều phản hồi tích cực từ các hội viên cũng như bạn đọc. Bản tin phác họa một phần các hoạt đông của Hội trong các thời gian gần đây, từ những sự kiện trong nước đến các hội thảo quốc tế, từ những thành công của các hội viên trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu ĐKT đến các dự án ĐKT tầm cỡ do các hội viên doanh nghiệp thực hiện. Các câu chuyện lý thú bên lề chuyên môn cũng được các hội viên lão thành kể lại trong mục “HỒI KÝ ĐKT”. Trong tình hình ngày càng khó khăn do đại dịch Covid-19, Bản tin là một hoạt động quan trọng của Hội nhằm kết nối các hội viên, cũng như thu hút các hội viên mới.

Hình 6. Trang web của hội www.vssmge.org.
Hình 7. Bản tin số 2 của Hội

CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG

Công tác khen thưởng đang trở thành một hoạt động thường kỳ của Hội, Hình 8. Tại hội nghị KH toàn quốc VGD2019, lần đầu tiên Hội đã trao bằng vinh danh và quà tặng cho các hạng mục: Hội viên lão thành; Công trình địa kỹ thuật tiêu biểu, và Đồ án tốt nghiệp địa kỹ thuật xuất sắc. Trong đợt đầu tiên này, Hội đã tôn vinh và trao bằng khen cho 8 nhà khoa học lão thành trong lĩnh vực ĐKT. Các “Công trình ĐKT tiêu biểu” được vinh danh trong dịp này gồm:
1. Công trình “Thi công xây dựng tường vây Gói thầu số 1a – Nhà ga Bến Thành”, do công ty Bachy Soletanche Việt Nam thực hiện.
2. Công trình “Thi công khoan hạ cọc ly tâm cường độ cao D700 và D800”, công trình cụm nhà Chung cư H9-CT1, khu Trung tâm khu đô thị Tây hồ Tây, do công ty Cổ phần Đầu tư Phan Vũ thực hiện.
3. Công trình “Thi công nền móng và tầng hầm”, công trình Empire City Lô MU4 & MU7, Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, do Công ty Cổ phần FECON thực hiện.
4. Công trình “Thiết kế và thi công trụ đất xi măng để ổn định hố móng đào sâu”, công trình trạm bơm dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, do Công ty Cổ phần Liên kết Công nghệ Xây dựng (Telico) thiết kế và thi công.
5. Công trình “Thiết kế và thi công xử lý nền cho bãi chứa nguyên liệu bằng phương pháp đầm rung”, công trình xây dựng khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát, khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, do công ty Công ty TNHH nền móng Keller Việt Nam thiết kế và thi công.
6. Công trình “Thiết kế và thi công tường chắn đất có cốt lưới địa kỹ thuật mặt tường block”, công trình Nhà máy khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, Đại Từ, Thái Nguyên, do Công ty Cổ phần Sản xuất Đầu tư xây dựng Hưng Việt thiết kế và thi công.
7. Công trình “Thiết kế xử lý nền đất yếu bằng cọc đất xi măng”, công trình nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ theo hình thức hợp đồng BOT, giai đoạn 2, thành phố Hà Nội, do Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) thực hiện.
Bảy đồ án tốt nghiệp ĐKT xuất sắc của sinh viên các trường đại học GTVT Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Kiến trúc Hà Nội, và đại học Cần Thơ cũng được Hội khen thưởng.
Trong năm 2021, Hội vinh danh 5 Hội viên cá nhân xuất sắc có nhiều đóng góp cho hoạt động Hội.

Hình 8. Bằng khen của Hội cho các hội viên cá nhân và tập thể xuất sắc năm 2019 và 2021

CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC & ĐÀO TẠO

Hội Cơ Học Đất và Địa Kỹ Thuật Công Trình Việt Nam là hội chuyên ngành có hàng trăm hội viên cá nhân công tác tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) chủ yếu được thực hiển bởi các hội viên tại các các trường đại học và viện nghiên cứu. Hàng năm có hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và ngành do các hội viên thực hiện. Nhiều đề tài đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tế mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đất nước.
Hội cũng thường xuyên tổ chức các lớp học chuyên môn về địa kỹ thuật, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của các hội viên trong lĩnh vực thiết kế, thi công, khảo sát đất nền, v.v. Một số lớp học do các giảng viên trong nước và quốc tế do Hội tổ chức có thể được kể đến:
• 16-17/6/2005, Lớp học 2 ngày về thiết kế địa kỹ thuật do các giảng viên trong nước thực hiện,
• 15/7/2010, GS. Kenji ISHIHARA, Trường Đại học Tổng hợp Chuo, Nhật Bản, nguyên Chủ tịch, Hội Cơ học đất & Địa kỹ thuật Công trình Thế giới ISSMGE, đã có bài giảng “Những tiến bộ mới trong Thí nghiệm và Xây dựng Tường vây, Móng cọc tại Nhật Bản” tại Hà Nội.
• 10-11/8/2010, GS. Chu Jian (Singapore) & Teik Ann OOI (Malaysia) có bài giảng 2 ngày “Thành tựu mới trong lĩnh vực gia cố nền đât yếu và các công trình thực tế”.
• 8-9/11/2010, Lớp học 2 ngày về “Mô hình hóa đất nền” do GS. David Wood (UK), giáo sư hàng đầu thế giới về Soil Modelling trình bày.
• G.S Bengt Fellenius trình bày bài giảng 2 ngày “Cơ sở thiết kế móng cọc”, ngày 14-15/3/2011 tại Hà Nội, và 21- 22/3/2011 tại thành phố Hồ Chí Minh.
• 16/3/2015, Lớp học 1 ngày, GS Delwyn Fredlund (Canada) “So sánh kết quả phân tích ổn định mái dốc 2D và 3D cho đất không bão hòa” tại Hà Nội.
• Giáo sư Richard Jardine (UK) trình bày Bài giảng Rankine thứ 56 về “Địa kỹ thuật và Năng lượng”, ngày 8/8/2016 tại Hà Nội và ngày 28/07/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài giảng Rankine là bài giảng quốc tế danh giá do các nhà ĐKT hang đầu thế giới thực hiện. Đây là lần đầu tiên bài giảng này được trình bày tại Việt Nam.

TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CÁC HỘI NGHỊ, HỘI THẢO ĐKT QUỐC TẾ TẠI VIỆT NAM

Kể từ khi thành lập, Hội CHĐ & ĐKTCT VN luôn chú trọng tổ chức các hội nghị hội thảo quốc tế tại Việt Nam. Trong số các Hội nghị, Hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao phải kể đến:
• Hội thảo Địa kỹ thuật quốc tế tại Hà Nội năm 1992, với sự tham gia của nhiều nhà địa kỹ thuật quốc tế hàng đầu như GS Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Harry Poulos (Úc), GS. Kenji Ishihara (Nhật) v.v. (Hình 9)
• Hội thảo Địa kỹ thuật quốc tế VGD2010 tại Hà Nội, 18/6/2010, với sự tham gia của 200 đại biểu trong đó có 25 khách quốc tế từ Canada, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Đài Loan, v.v.
• Hội thảo Việt Nam-Thụy Điển “Phát triển môi trường bền vững”, ngày 20/4/2012 tại Hà Nội, với 80 đại biểu Việt Nam và Thụy Điển tham dự.
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2011, 6-7/10/2022, với sự tham gia của 450 đại biểu từ 24 nước. Tại Hội nghị 110 bài viết được công bố, với các bài giảng keynote của GS. Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Harry Poulos (Úc), GS. Alain Guilloux (Pháp), Dr. Hiroshi Yoshida (Nhật), GS. Pieter Vermeer (Hà Lan), GS. Kenji Ishihara (Nhật).
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2013, 28-29/11/2013, với sự tham gia của 500 đại biểu từ 28 quốc gia. Tại Hội nghị này đã có 112 bài viết được công bố, với các bài giảng keynote của GS. Rolf Katzenbach (Đức), GS. Alain Guilloux (Pháp), GS. Fumio Tatsuoka (Nhật), GS. Kenichi Soga (Vương Quốc Anh); GS. Helmut Schweiger (Áo), và GS. Sven Hansbo (Thụy Điển).
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2016, 24-25/11/2016, với sự tham gia của 600 đại biểu từ 31 quốc gia. Tại Hội nghị này đã có 145 bài viết được công bố, với các bài giảng keynote của GS. Bengt H.Fellenius (Canada), GS. Chang-Yu Ou (Đài Loan), GS. Buddhima Indraratna (Úc), Kazuya Yasuhara (Nhật), TS. Jamie Standing (Vương Quốc Anh).
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019, 28-29/11/2019, với sự tham gia của 800 đại biểu từ 40 quốc gia, Hình 10-12. Tại Hội nghị này đã có 185 bài viết được công bố, với các bài giảng keynote của GS. Harry Poulos (Úc), GS. Masaki Kitazume (Nhật), GS. Delwyn Fredlund (Canada), GS. Lidija Zdravkovic (Vương Quốc Anh), GS. Mark Randolph (Úc). Đặc biệt hội nghị được nghe bài giảng của Chủ tịch Hội quốc tế ISSMGE, Prof. Charles Ng (Hong Kong), và Phó Chủ tịch ISSMGE, GS. Eun Chul Shin (Hàn Quốc).
Có thể nói hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI do FECON cùng Hội CHĐ và ĐKTCT VN tổ chức đến nay đã có tên trên “bản đồ” sự kiện ĐKT thế giới, và đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều nhà ĐKT quốc tế. Tuyển tập (kỷ yếu) hội nghị luôn được xuất bản với trình độ quốc tế, Hình13. Tuyển tập của Geotec Hanoi 2019 được Springer xuất bản với chỉ số cơ sở dữ liệu Scopus. Một sự kiện không thể không nhắc đến là Hội thảo quốc tế “Phương pháp số trong Địa kỹ thuật” (NAG: Numerical Analysis in Geotechnics) cũng đã được tổ chức 2 lần tại Việt Nam:
• Hội thảo quốc tế NAG2015, 20/8/2015, tại Hà Nội, với sự tham gia của 130 đại biểu từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Singapore, Thailand, Taiwan, Canada, France, China and Vietnam. Tại Hội thảo này đã có 15 báo cáo được trình bày.
• Hội thảo quốc tế NAG2018, 22/3/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, do Hội CHĐ & DDKTCT VN và ĐH Khoa học Công nghệ Quốc gia, Đài Loan đồng tổ chức, với 120 khách và tác giả đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Nepal, Gambia, Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Anh, Trung Quốc và Việt Nam. Tại Hội thảo này đã có 28 báo cáo được trình bày.

Hình 9. Hội thảo Địa kỹ thuật quốc tế tại Hà Nội năm 1992. Chủ tịch đoàn, từ trái sang phải gồm: TS. Bo Berggren, cố GS. Nguyễn Trường Tiến, cố GS. Sven Hansbo, GS Harry Poulos, TS. Jan Hartlen.
Hình 10. Hội nghị quốc tế Geotec Hanoi 2019. Chủ tịch Hội, Phùng Đức Long khai mạc hội nghị
Hình 11. Hội nghị quốc tế Geotec Hanoi 2019. Phiên toàn thể hội nghị.
Hình 12. Hội nghị quốc tế Geotec Hanoi 2019. Các đại biểu quốc tế tham dự hội nghị

HOẠT ĐỘNG QUỐC TẾ KHÁC CỦA HỘI

Hội Cơ Học Đất và Địa Kỹ Thuật Công Trình Việt Nam có một bề dày hoạt động quốc tế đáng tự hào. Ngay trong nhưng năm 60-70 từ thế kỷ trước, tiền thân của Hội lúc bấy giờ là Tổ Cơ học đất và Nền móng đã tiếp đón các giáo sư nổi tiếng như N. N. Maslov (Nga), hay A. Habib (Pháp) sang giúp đỡ và đọc bài giảng trong lĩnh vực Xây dựng công trình trên vùng đất yếu. Từ năm 1979 đến năm 1994, thực hiện chương trình hợp tác giữa Việt nam và Thuỵ điển về địa kỹ thuật, thông qua chương trình SAREC của chính phủ Thuỵ điển, Viện Địa kỹ thuật Thuỵ điển (SGI) đã cử nhiều chuyên gia hang đầu sang Viện KHCN Xây dựng Việt nam cùng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong thí nghiệm trong phòng và hiện trường; xử lý các sự cố nền móng, ứng dụng các phương pháp xử lý nền tiên tiến như bang nhựa thoát nước thẳng đứng và trụ đất vôi-xi măng, v.v. Áp dụng cọc tiết diện nhỏ để xử lý lún của một số hạng mục tai Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những thành công trong hơn 10 năm của chương trình hợp tác này.

Hình 13. Tuyển tập hội nghị qua 4 kỳ Geotec Hanoi 2011 đến 2019.

Kể từ khi thành lập, Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE) có quan hệ hợp tác song phương với nhiều hội quốc gia bạn, trong đó phải kể đến các Hội ĐKT Thụy Điển, Anh Quốc (UK), Canada, Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, v.v. Nhiều lớp học và hội thảo quốc tế đã được Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE) thực hiện với sự hợp tác đa phương hay song phương với các hội bạn.
Trong năm 2020-2021, do đại dịch Covid, nhiều sự kiện trong nước và quốc tế bị hủy bỏ. Hội CHĐ & DDKTCT VN đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện trực tuyến.

VSSMGE trở thành quốc gia thành viên của Hội Thế giới ISSMGE

Từ năm 1979 đến năm 1994, thực hiện chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển về địa kỹ thuật, thông qua chương trình SAREC của chính phủ Thụy Điển,Viện Địa kỹ thuật Thụy Điển (SGI) đã cử nhiều chuyên gia có uy tín sang Viện KHCN Xây dựng Việt nam cùng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong thí nghiệm trong phòng và hiện trường; xử lý các sự cố nền móng, ứng dụng các phương pháp xử lý nền tiên tiến như băng nhựa thoát nước thẳng đứng và trụ đất vôi-xi măng, v.v. Các nhà địa kỹ thuật có tiếng của Thụy Điển như TS. Jan Harlen, TS. Bo Berggren, kỹ sư Björn Moller, TS. Håkan Bredenberg và đặc biệt là hai giáo sư hàng đầu của Thụy Điển và thế giới: GS. Sven Hansbo, và Bengt Brom, đã trở thành những người bạn thân thiết của những người làm công tác địa kỹ thuật Việt Nam. Được sự giới thiệu của các người bạn Thụy Điển, năm 1985, Hội CHĐ & ĐKTCT VN trở thành thành viên của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Quốc tế (ISSMGE), www.issmge.org, với 28 hội viên cá nhân. Số lượng hội viên quốc tế của VSSMGE đã tăng đều từ 2016. Cho đến 2022, Hội CHĐ & ĐKTCT VN đã có 70 hội viên quốc tế, xem danh sách trong Hình 14b. Các hội viên quốc tế của VSSMGE cũng tích cực tham gia các tiểu ban kỹ thuật của ISSMGE, nơi quy tụ các nhà khoa học hang đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau của nhganhf ĐKT. Cho đến nay, 15 hội viên của VSSMGE là thành viên của các tiểu ban kỹ thuật khác nhau của ISSMGE.

Tham gia các hội nghị ĐKT thường kỳ của Hội Thế giới ISSMGE

Hai hội nghị quan trọng nhất của ISSMGE được tổ chức bốn năm một lần xen kẽ là:
• Hội nghị CHĐ & ĐKTCT Thế giới ICSSMGE (International Conference on Soil Mechanics & Geotechnical Engineering);
• Hội nghị CHĐ & ĐKTCT Châu Á ARC (Asian Regional Conference on SMGE).
Các hội nghị gần đây nhất là: ICSMGE lần thứ 19, tổ chức vào ngày 17-22 /9/2017 tại Seoul (Hàn Quốc) và ARC lần thứ 16, vào ngày 14-18 tháng 10/2019 tại Taipei (Đài Loan). ICSMGE lần thứ 20 lẽ ra được tổ chức vào 2021, tại Sydney (Úc). Do đại dịch Covid, Hội nghị 20th ICSMGE sẽ diễn ra vào ngày 1-6 /5/2022, www.icsmge2022.org.
Hội CHĐ & ĐKTCTVN luôn có đại biểu tới dự các hội nghị này và tham gia các chương trình nghị sự chính thức của ISSMGE cũng như ISSMGE châu Á, trong đó có báo cáo hoạt động của các hội quốc gia thành viên, bầu chủ tịch mới, bầu chọn quốc gia đăng cai hội nghị kế tiếp, v.v. Cố chủ tịch VSSMGE Nguyễn Trường Tiến tham gia Hội nghị ICSMGE lần thứ 10 tại Stochkholm, Thụy Điển. Chủ tịch đương nhiệm Phùng Đức Long đã tham gia hội nghị ICSMGE lần thứ 15 tại Istambul, Thổ Nhĩ Kỳ, và trình bày báo cáo “Drilled-pile wall for deep excavation at Frederiksberg Station, Copenhagen”, với tư cách hội viên của Hội ĐKT Thụy Điển. Tại các hội nghị của ISSMGE số lượng báo cáo của mỗi quốc gia thành viên được phân bổ (quota) theo số lượng hội viên quốc tế của quốc gia thành viên. Trong năm 2019, VSSMGE có 53 hội viên quốc tế và chỉ được phân bổ 2 báo cáo KH. Chủ động liên hệ trực tiếp với chủ tịch ISSMGE, VSSMGE đã xin được thêm 1 xuất cho tác giả trẻ (dưới 35 tuổi). Dưới đây là ba bài đã được BTC hội nghị 20 ICSMGE chấp nhận:
1. Phung Duc Long, Ho Manh Hung et al. “Simplified FE-simulation of pile installation effect on bearing capacity of displacement piles in sand”;
2. Vu Anh Tuan et al. “Shear strength behaviour of a coral sand in Vietnam”;
3. Hoang Lua et al. “FEM simulations of long-term loaded piled raft foundation models with different numbers of piles on saturated clay ground”.
Song song với các sự kiện chính này, hội thảo KH cho các tác giả trẻ luôn được diễn ra. Lần này là 7iYGEC (7th International Young Geotechnical Engineers Conference), cũng diễn ra tại Sydney, vào ngày 29/04 đến 01/05/2022 nghĩa là ngay trước hội nghị chính, www.icsmge2022.org/7iygec/. Tác giả các bài báo cho sự kiện này cũng phải là hội viên quốc tế, và do chủ tịch các Hội quốc giq thành viên tiến cử. Hai hội viên trẻ của VSSMGE, đã gửi bài tham gia và đã được chấp nhận tại 7iYGEC.

Thành viên sáng lập Hiệp hội các Hội ĐKT Đông Nam Á (AGSSEA)

Năm 2007, Hội CHĐ & ĐKTCT VN trở thành thành viên sáng lập Hiệp hội các Hội ĐKT Đông Nam Á (AGSSEA) bao gồm Hội ĐKT Đông Nam Á (SEAGS), và các hội quốc gia: Hội Địa Kỹ thuật Malaysia (MGS), Hội ĐKT Đài Loan Trung Quốc (CTGS), Hội ĐKT Singapore (GeoSS), Hội ĐKT Hong Kong (HKGES), Hội ĐKT Indonesian (HATTI), Hội ĐKT Thái Lan (TGS), và Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE). Hội CHĐ & ĐKTCT VN đã tích cực tham gia các hoạt động chung của AGSSEA.
Đáng ghi nhận là VSSMGE đã chủ biên 2 số chuyên san của tạp chí ĐKT “Geotechnical Engineering” có tiếng của AGSSEA: 1) Số đặc biệt “Vietnam Issue”, Số Vol. 47 No.1 March 2016 và 2) Số vinh danh GS. Fellenius, Vol. 50, No. 3, September 2019. Trong 2 số này các bài viết đều có tác giả Việt Nam, hoặc viết về các dự án, đề tài nghiên cứu tại Việt Nam, Hình 15. Hai chuyên san này được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao.

Hình 14. Danh sách 45 hội viên quốc tế năm 2018 (trái) và 70 hội viên quốc tế của VSSMGE năm 2022 (phải)
Hình 15. Trang bìa 2 số chuyên san của tạp chí ĐKT “Geotechnical Engineering” của AGSSEA do Hội CHĐ & ĐKTCT VN (VSSMGE) chủ biên

 

Phùng Đức Long
VSSMGE.

E-mail: [email protected]