Hội Cơ Học Đất và Địa Kỹ Thuật Công Trình Việt Nam có một bề dày hoạt động quốc tế đáng tự hào. Ngay trong nhưng năm 60-70 từ thế kỷ trước, tiền thân của Hội lúc bấy giờ là Tổ Cơ học đất và Nền móng đã tiếp đón các giáo sư nổi tiếng như N. N. Maslov (Nga), hay A. Habib (Pháp) sang làm việc.

VSSMGE trở thành quốc gia thành viên của ISMGE

Từ năm 1979 đến năm 1994, thực hiện chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển về địa kỹ thuật, thông qua chương trình SAREC của chính phủ Thụy Điển,Viện Địa kỹ thuật Thụy Điển (SGI) đã cử nhiều chuyên gia có uy tín sang Viện KHCN Xây dựng Việt nam cùng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong thí nghiệm trong phòng và hiện trường; xử lý các sự cố nền móng, ứng dụng các phương pháp xử lý nền tiên tiến như băng nhựa thoát nước thẳng đứng và trụ đất vôi-xi măng, v.v. Các nhà địa kỹ thuật hàng đầu của Thụy Điển như TS. Jan Harlen, TS. Bo Berggren, kỹ sư Böjn Möller, và đặc biệt là GS. Sven Hansbo, đã trở thành những người bạn thân thiết của những người làm công tác địa kỹ thuật Việt Nam. Theo sự giới thiệu của các người bạn Thụy Điển, năm 1985, Hội CHĐ&ĐKTCT VN trở thành thành viên của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Quốc tế (ISSMGE), https://www.issmge.org/, với 20 hội viên cá nhân. Cho đến 2021, Hội ta đã có 59 hội viên quốc tế, xem danh sách đính kèm. 12 hội viên của VSSMGE là thành viên của các tiểu ban kỹ thuật của ISSMGE.

Danh sách hội viên quốc tế của VSSMGE

Tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo ĐKT quốc tế tại Việt Nam

Trong số các Hội nghị, Hội thảo quốc tế được Hội CHĐ&ĐKTCT VN tổ chức và đồng tổ chức tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao phải kể đến:
• Hội thảo Địa kỹ thuật quốc tế tại Hà Nội năm 1992, với sự tham gia của nhiều nhà địa kỹ thuật quốc tế hàng đầu như GS Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Harry Poulos (Úc), GS. Kenji Ishihara (Nhật) v.v.
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2011, với sự tham gia của 450 đại biểu từ 24 nước. Tại Hội nghị 110 bài viết được công bố, với các bài giảng của GS. Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Harry Poulos (Úc), GS. Alain Guilloux (Pháp), Dr. Hiroshi Yoshida (Nhật), GS. Pieter Vermeer (Hà Lan), GS. Kenji Ishihara (Nhật).
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2013, với sự tham gia của 500 đại biểu từ 28 quốc gia. Tại Hội nghị này đã có 112 bài viết được công bố, với các bài giảng của GS. Rolf Katzenbach (Đức), GS. Alain Guilloux (Pháp), GS. Fumio Tatsuoka (Nhật), GS. Kenichi Soga (Vương Quốc Anh); GS. Helmut Schweiger (Áo), và GS. Sven Hansbo (Thụy Điển).
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2016, với sự tham gia của 600 đại biểu từ 31 quốc gia. Tại Hội nghị này đã có 145 bài viết được công bố, với các bài giảng của GS. Bengt H.Fellenius (Canada), GS. Chang-Yu Ou (Đài Loan), GS. Buddhima Indraratna (Úc), Kazuya Yasuhara (Nhật), TS. Jamie Standing (Vương Quốc Anh).
• Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2019, với sự tham gia của 800 đại biểu từ 40 quốc gia. Tại Hội nghị này đã có 185 bài viết được công bố, với các bài giảng của GS. Harry Poulos (Úc), GS. Masaki Kitazume (Nhật), GS. Delwyn Fredlund (Canada), GS. Lidija Zdravkovic (Vương Quốc Anh), GS. Mark Randolph (Úc). Đặc biệt hội nghị được nghe bài giảng của Chủ tịch Hội quốc tế ISSMGE, Prof. Charles Ng (Hong Kong), và Phó Chủ tịch ISSMGE, GS. Eun Chul Shin (Hàn Quốc).

Có thể nói hiện nay hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI đã có tên trên “bản đồ” sự kiện ĐKT thế giới, và đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều nhà ĐKT quốc tế.

Một sự kiện không thể không nhắc đến là Hội thảo quốc tế “Phương pháp số trong Địa kỹ thuật” (NAG: Numerical Analysis in Geotechnics) cũng đã được tổ chức 2 lần tại Việt Nam: lần thứ nhất NAG2015 tại Hà Nội, và lần thứ hai NAG2018 tại TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo Địa kỹ thuật quốc tế tại Hà Nội năm 1992

Tham gia các hội nghị ĐKT thường kỳ của ISSMGE

Hai hội nghị quan trọng nhất của ISSMGE được tổ chức bốn năm một lần xen kẽ là:
• Hội nghị CHĐ & ĐKTCT Thế giới ICSSMGE (International Conference on Soil Mechanics & Geotechnical Engineering), và
• Hội nghị CHĐ & ĐKTCT Châu Á ARC (Asian Regional Conference on SMGE).
Các hội nghị gần đây nhất là: ICSMGE lần thứ 19, tổ chức vào ngày 17-22 tháng 9/2017 tại Seoul (Hàn Quốc) và ARC lần thứ 16, vào ngày 14-18 tháng 10/2019 tại Taipei (Đài Loan). ICSMGE lần thứ 10, được tổ chức tại Sydney (Úc), lẽ ra vào 2021. Do đại dịch Covid, Hội nghị 20th ICSMGE sẽ diễn ra vào ngày 1-6 tháng 5/2022, https://icsmge2022.org/.
Hội CHĐ&ĐKTCTVN luôn có đại biểu tới dự các hội nghị này và tham gia các chương trình nghị sự chính thức của ISSMGE cũng như ISSMGE châu Á, trong đó có báo cáo hoạt động của các hội quốc gia thành viên, bầu chủ tịch mới, bầu chọn quốc gia đăng cai hội nghị kế tiếp… Tại các hội nghị này số lượng báo cáo KH của mỗi quốc gia thành viên được phân bổ (quota) theo số lượng hội viên quốc tế của quốc gia thành viên. Trong năm 2019, VSSMGE có 53 hội viên quốc tế và chỉ được phân bổ 2 báo cáo KH. Do quan hệ trực tiếp với chủ tịch ISSMGE, VSSMGE xin được thêm 1 xuất cho tác giả trẻ (dưới 35 tuổi). Dưới đây là ba bài đã được BTC hội nghị 20ICSMGE chấp nhận:
1. Phung Duc Long, Ho Manh Hung et al. “Simplified FE-simulation of pile installation effect on bearing capacity of displacement piles in sand”;
2. Vu Anh Tuan et al. “Shear strength behaviour of a coral sand in Vietnam”;
3. Hoang Lua et al. “FEM simulations of long-term loaded piled raft foundation models with different numbers of piles on saturated clay ground”.
Một điểm cần lưu ý là, chỉ các hội viên quốc tế của các quốc gia thành viên ISSMGE mới được đăng ký nộp báo cáo. Tại hội nghị lần này, BTC hội nghị đã thông báo cho VSSMGE danh sách 14 báo cáo tóm tắt được đệ trình. Trong số đó 10 báo cáo của các tác giả không phải là hội viên VSSMGE. Các báo cáo này tất nhiên bị loại. Trong số 4 báo cáo còn lại VSSMGE chỉ được chọn 3 vì lý do nêu trên.
Song song với các sự kiện chính này, hội thảo KH cho các tác giả trẻ luôn được diễn ra. Lần này là 7iYGEC (7th International Young Geotechnical Engineers Conference), cũng diễn ra tại Sydney, vào ngày 29/04 đến 01/05/2022 nghĩa là trước hội nghị chính một ngày, https://icsmge2022.org/7iygec/. Tác giả các bài báo cho sự kiện này cũng phải là hội viên quốc tế, và do chủ tịch các Hội thành viên tiến cử. Hai hội viên trẻ của VSSMGE, đã gửi bài tham gia và đã được chấp nhận:
1. Nhieu Vinh Duong, et al. “Natural rubber latex as a polymer additive modified cement stabilized recycled concrete aggregate for base pavement application”;
2. Nguyen Thanh Tu, et al. “One-Dimensional Consolidation Behavior of Soft Clay Reinforced by Geotextile and Sand Cushion with Side Friction Consideration”

Trang bìa 2 số đặc biệt của tạp chí ĐKT “Geotechnical Engineering” có tiếng của AGSSEA do VSSMGE chủ biên

Thành viên sáng lập AGSSEA

Năm 2007, Hội CHĐ & ĐKTCT VN trở thành thành viên sáng lập Hiệp hội các Hội ĐKT Đông Nam Á (AGSSEA) bao gồm Hội ĐKT Đông Nam Á (SEAGS), và các hội quốc gia Vietnam (VSSMGE), Hong Kong (HKGES), Singapore (GeoSS), Thailand (TGS), Chinese Taipei Geotechnical Society (CTGS), Indonesian (HATTI) and Malaysia (MGS). http://seags.ait.asia/about-us/history-of-agssea/. Hội CHĐ & ĐKTCT VN đã tích cực tham gia các hoạt động chung của AGSSEA. Đáng ghi nhận là VSSMGE đã chủ biên 2 số đăc biệt của tạp chí ĐKT “Geotechnical Engineering” có tiếng của AGSSEA: 1) Số đặc biệt “Vietnam Issue”, Số Vol. 47 No.1 March 2016 và 2) Số vinh danh GS. Fellenius, Vol. 50, No. 3, September 2019.

Phùng Đức Long,
Chủ tịch Hội Cơ Học Đất và Địa Kỹ Thuật Công Trình Việt Nam.

E-mail: [email protected]