Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong lĩnh vực địa kỹ thuật ở trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng (Phần 1)

Some student researches on geotechnical engineering at the University of Danang – University of Science and Technology (Part 1)

Phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tại khoa Xây dựng Cầu Đường, trường Đại học Bách Khoa -Đại học Đà Nẵng rất sôi nổi. Các đề tài được thực hiện khá phong phú, đa dạng về lĩnh vực xây dựng nói chung và xây dựng công trình giao thông nói riêng. Bắt đầu từ năm 2002, đến nay đã có 20 năm triển khai phong trào sinh viên nghiên cứu, không chỉ đã thành hoạt động truyền thống của nhà Trường, mà hơn thế hầu hết các đề tài nghiên cứu có tính khoa học, thời sự và ứng dụng thực tiễn. Lĩnh vực địa kỹ thuật – nền móng công trình là một trong các hướng nghiên cứu được quan tâm đặc biệt, có các nghiên cứu về lý thuyết, mô phỏng số và thực nghiệm. Bài viết này trình bày một cách khái quát về tên đề tài, tóm tắt dung và kết quả nghiên cứu liên quan lĩnh vực địa kỹ thuật từ năm 2014 đến năm 2017.

Sinh viên trình bày báo cáo poster (trái) và tập thể thầy cô cùng sinh viên tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng

Năm 2014

Nghiên cứu ảnh hưởng của tương tác đất nền – công trình lên phản ứng động lực của kết cấu cầu dây văng chịu tải trọng động đất

SVTH: Nguyễn Hữu Thanh, Ngô Đức Tiến
GVHD: ThS. Nguyễn Văn Mỹ, ThS. Phan Hoàng Nam

Trong hầu hết các bài toán phân tích phản ứng động lực của cầu do tải trọng động đất hiện nay cọc được xem như liên kết cứng vào nền đất, điều này không phản ánh hết tính chất làm việc giữa công trình và nền đất. Do vậy, đề tài đã tập trung nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của sự tương tác giữa đất nền – công trình (SSI) đến phản ứng động lực của cầu dây văng chịu tải trọng động đất bằng mô hình dầm trên nền đàn hồi Winkler cải tiến cùng với mô hình Kenvil – Voigt. Phương pháp lịch sử thời gian được sử dụng để phân tích các dạng dao động riêng và phản ứng động lực của kết cấu chịu tải trọng động đất. Nội dung nghiên cứu được áp dụng tính toán cho cầu dây văng Nhật Lệ 2 trên phần mềm MIDAS CIVIL

Nghiên cứu gia cố nền đất bằng phương pháp top-base

SVTH: Nguyễn Tấn Thiện, Hoàng Minh Tiến
GVHD: ThS. Lê Văn Lạc, ThS. Trần Đình Minh

Nội dung của đề tài trình bày những nghiên cứu tổng quan về phương pháp gia cố nền móng Top – Base trên nền đất yếu và phương pháp gia cố nền móng Top- base kết hợp với móng làm việc theo dạng móng bè. Cả hai phương pháp trên được mô hình trên phần mềm Plaxis.Kết hợp với những công trình ngoài thực tế đã áp dụng phương pháp gia cố nền móng Top – Base để tăng khả năng chịu lực của nền đất. Kết quả xuất từ phần mềm được đánh giá và kiểm chứng dựa trên kết quả thí nghiệm đo được từ công trình thực tế. Chứng minh được sự làm việc hiệu quả của phương pháp Top-Base để có thể áp dụng trong điều kiện Việt Nam.

Xây dựng phần mềm CONSOIL 2.0 tính toán xử lý nền đất yếu dưới nền đắp cao

SVTH: Lê Đình Việt
GVHD: TS. Châu Trường Linh

Nền đường đắp trên đất yếu là trường hợp thường gặp trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông. Ở nước ta, điều kiện địa hình địa chất phức tạp, nhiều tuyến đường đắp đi qua vùng địa chất đất yếu. Khi xây dựng thì các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn tuân theo Tiêu chuẩn và Qui trình khảo sát thiết kế và đã đạt được một số yêu cầu nhất định nhưng còn mất nhiều thời gian bởi những trăn trở băn khoăn khi lựa chọn các phương án thiết kế, bên cạnh đó chưa đề cập đến vấn đề sự thay đổi các tính chất cơ lý đất theo thời gian. Xuất phát từ thực trạng trên, tác giả xây dựng phần mềm CONSOIL 2.0 dựa trên ngôn ngữ VB.NET để tối ưu hóa chiều cao nền đường đắp trên đất yếu có xét đến sự thay đổi theo thời gian các tính chất cơ lý và giới hạn về thời gian, giúp cho các nhà tư vấn thiết kế giảm khối lượng tính toán và lựa chọn phương án xây dựng phù hợp, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí xây dựng công trình.

Nghiên cứu ảnh hưởng của một số tham số đến sự làm việc của hệ GRPS và xây dựng chỉ dẫn thiết kế theo phương pháp mới

SVTH: Phạm Anh Tuấn
GVHD: ThS. Đỗ Hữu Đạo, PGS.TS. Phan Cao Thọ

Đề tài phân tích ảnh hưởng của một số tham số đến sự làm việc của hệ GRPS (Geosynthetic Reinforced Pile Supported) bằng phương pháp mô phỏng số. Đánh giá sự tương tác của của hệ nền liên hợp giữa cọc-vải địa-đất nền thông qua xem xét 5 yếu tố ảnh hưởng chính với 199 trường hợp được phân tích: Môđun đàn hồi, chiều dài, đường kính, khoảng cách của các cọc đất xi măng và độ cứng vải địa kỹ thuật. Bài toán được phân tích cho công trình nền đường dẫn đầu cầu Hòa Phước cho thấy các thông số nghiên cứu có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả độ lún-biến dạng-ứng suất của nền đất được gia cố; đặc biệt với mỗi thông số cho một kết quả giá trị nhỏ nhất chứ không phải thay đổi tuyến tính. Dựa trên các tham số phân tích sẽ giúp rút ra được hệ số tập trung ứng suất có ý nghĩa quan trọng cho phương pháp thiết kế mới một cách hợp lý và từ đó xây dựng chỉ dẫn thiết kế cho hệ GRPS.

Ứng dụngphần mềm PLAXIS tính toán ổn định nền đắp trên đất yếu có gia cường vải địa kỹ thuật

SVTH: Phạm Hồng Hạnh
GVHD: TS. Nguyễn Hồng Hải

Nền đắp được xây dựng trên đất yếu thường có nguy cơ mất ổn định trượt và lún. Với ưu điểm thi công nhanh, công nghệ thi công đơn giản và giá thành thi công thấp, vải địa kỹ thuật (ĐKT) là một trong những ưu tiên được lựa chọn để xử lý khi chiều dày lớp đất yếu không quá lớn. Nhờ sự trợ giúp của phần mềm tính toán Plaxis, đề tài đã tiến hành phân tích ổn định và biến dạng của nền đắp trên đất yếu ở các chiều cao đắp khác nhau. Kết hợp việc sử dụng vải ĐKT gia cường có các đặc trưng độ cứng khác nhau, kết quả nghiên cứu chỉ ra ảnh hưởng của chiều cao đắp và đặc trưng độ cứng của vải đến sự ổn định và biến dạng của vải khi làm việc. Trong một số trường hợp, việc chọn vải có độ cứng nhỏ có thể đảm bảo điều kiện ổn định của nền đắp. Tuy nhiên điều kiện về độ lún và trị số biến dạng của vải không đảm bảo, là nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng mất ổn định dài hạncủa nền đắp trong quá trình khai thác.

Nghiên cứu ảnh hưởng của tải trọng đầm nén đến sự làm việc của nền đường đắp trên nền đất yếu có lớp cứng bề mặt

SVTH: Nguyễn Văn Quân
GVHD: TS. Châu Trường Linh

Đề tài này trình bày các kết quả nghiên cứu về lý thuyết tính toán ứng suất biến dạng trong nền đất và ổn định của nền đất đắp trên đất yếu, nghiên cứu ảnh hưởng của tải trọng đầm đến sự làm việc của nền đường khi có lớp vỏ cứng bề mặt, ảnh hưởng của tính chất cơ lý lớp vỏ cứng đến độ lún độ ổn định của nền đường và dự báo về sự hư hỏng của nền đường nếu tiếp tục xây dựng mà không có các biện pháp gia cố nền đất yếu. Ngoài ra đề tài còn đưa ra các kiến nghị về việc sử dụng lu rung hợp lý khi nền đất yếu có lớp vỏ cứng bề mặt và biện pháp gia cố nền yếu bên dưới khi đã xảy ra sự cố nền đường bị lún để tiếp tục xây dựng các lớp bên trên và đưa đoạn tuyến vào khai thác mà không bị hư hỏng.

Năm 2015

Nghiên cứu ảnh hưởng của thành phần hạt, hàm lượng xi măng và công đầm nén đến chất lượng của hổn hợp cấp phối đá dăm gia cố xi măng

SVTH: Trần Trung Hiếu, Trần Thanh Truyền
GVHD: Ths. Trần Thị Thu Thảo

Đề tài trình bày một số kết quả nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của thành phần hạt, hàm lượng xi măng và công đầm nénđến cường độ nén, cường độ ép chẻ của cấp phối đá dăm gia cố xi măng trong công tác xây dựng móng đường ô tô cấp cao từ đó có những nhận định đánh giá ban đầu để tăng cường nâng cao công tác đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công. Kết quả cho thấy thành phần hạt, hàm lượng xi măng, công đầm nén ảnh hưởng rất nhiều tới cường độ của cấp phối đá dăm gia cố xi măng. Vì vậy cần nghiên cứu lựa chọn thành phần hạt, hàm lượng xi măng củng như công đầm nén hợp lýđảm bảo chất lượng cấp phối đá dăm gia cố xi măng.

Nghiên cứu diễn tiến độ lún của nền đường đắp trên nền đất yêu khi bấc thấm mất khả năng thoát nước trong quá trình đất cố kết tại Công trình đường trục I- Khu đô thị mới Tây Bắc, Phân đoạn Km 1+741,09 – Km 2+655,18

SVTH: Lê Khôi
GVHD: TS. Châu Trường Linh

Công nghệ xử lý nền đất yếu bằng phương pháp sử dụng thiết bị thoát nước theo phương thẳng đứng (PVD) kết hợp với gia tải trước được ứng dụng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, sự cố hiện nay là trong quá trình đất cố kết PVD bị mất khả năng thoát nước làm cho nền đường sau khi xử lý, quá thời gian chờ vẫn không đạt được độ lún yêu cầu. Trong các tiêu chuẩn hiện hành chưa đề cập đến việc tính toán diễn tiến lún của nền đường đắp trên nền đất yếu sau khi PVD mất khả năng thoát nước. Với mục đích dựa vào các mô hình tính toán trên phần mềm Plaxis 8.2 (2D), kết hợp với tiêu chuẩn 22TCN262-2000 và quan trắc thực tế để dự báo thời gian và diễn tiến độ lún còn lại sau khi đưa công trình vào khai thác. Kết quả nghiên cứu có thể phục vụ tốt cho các đơn vi thiết kế, thi công trong việc dự báo diễn tiến độ lún của nền đường đắp qua đất yếu khi PVD mất khả năng thoát nước nhằm có các biện pháp giải quyết phù hợp, giảm chi phí xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thi công

Tính toán gia cường mái dốc nền đào bằng hệ neo mềm ứng suất trước chống sụt trượt-đá rơi cho tuyến đường du lịch Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà, TP Đà Nẵng

SVTH: Phan Khắc Hải
GVHD: TS. Châu Trường Linh

Đề tài giới thiệu công nghệ mới sử dụng hệ neo mềm ứng suất trước vào việcchống sụt trượt – đá rơi cho mái dốc nền đào mất ổn địnhtrên tuyến đường du lịch Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà. Với hệ neo mềm, các sợi cáp mềm được căng kéo trước, chúng được nối vào các đầu neo của neo phân tán kéo nén theo các phương dọc tim đường và phương của mái dốc, tạo ra một mạng lưới neo – cáp khép kín với nhau. Tiến hành mô phỏng trạng thái làm việc và kiểm nghiệm các điều kiện ổn định cho mái dốc với hệ neo mềm, đề tài sử dụng phần mềm Flac2D, xây dựng chương trình tính toán dựa trên lý thuyết sai phân hữu hạn, xét đến sự giảm c-φ trên mặt trượt nguy hiểm. Đánh giá sự phù hợp của hệ, một mặt tăng cường khả năng giữ ổn địnhmái dốc, mặt khác tạo ra được mỹ quan, thân thiện với môi trường. Áp dụng một mái dốc xanh cho tuyến đường du lịch Hoàng Văn Thái nối dài đi Bà Nà.

Nghiên cứu sử dụng vật liệu cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng cho khu dịch vụ hỗn hợp VSIP Quảng Ngãi

SVTH: Phạm Ngọc Khoa, Lê Trung Tuyến
GVHD: Ths. Trần Thị Thu Thảo

Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu đánh giá chất lượng của hỗn hợp cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng. Thí nghiệm được thực hiện trên các mẫu chế bị theo phương pháp đầm nén tiêu chuẩn (theo phương pháp cối proctor cải tiến) với các hàm lượng xi măng khác nhau. Kết quả cho thấy cường độ của CPTN GCXM tăng khi tăng hàm lượng xi măng gia cố. Dựa vào kết quả thí nghiệm, xác định hàm lượng xi măng tối ưu có cường độ bằng hoặc cao hơn cường độ của vật liệu CPĐD. Dự toán chi phí đầu tư của vật liệu này và so sánh với vật liệu CPĐD truyền thống. Đưa ra giải pháp thi công lớp móng CPTN GCXM thay cho lớp móng CPĐD trong thiết kế ban đầu để giảm chi phí đầu tư cho công trình.

Xây dựng phần mềm giao diện tương tác người dùng xác định chiều cao và tiến độ đắp nền đuồng trên đất yếu theo phương pháp gia tải

SVTH: Hoàng Quang Thành
GVHD: TS. Châu Trường Linh

Đề tài này đề cập đến vấn đề xây dựng phần mềm tính toán xử lý nền đường đắp bằng phương pháp gia tải. Phần mềm hỗ trợ giao diện tương tác người dùng (GUI) theo phong cách của các phần mềm Địa kỹ thuật hiện đại, nhưng hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn hiện hành về tính toán nền đường đắp trên đất yếu TCN262-2000, giúp người thiết kế tiết kiệm thời gian và vứt bỏ mối quan tâm về sự phù hợp tiêu chuẩn. Phần mềm BK-SOIL được viết trên nền ngôn ngữ C#, giải quyết một số bài toán cơ bản: bài toán về ổn định, bài toán tính lún, bài toán tính lún cố kết theo thời gian với nhiều tùy biến mà người dùng có thể vạch ra được ý tưởng thiết kế cũng như lựa chọn được phương án giải quyết phù hợp trong nhiều trường hợp địa chất khác nhau.

Năm 2016

Áp dụng mô hình Response Surface phân tích độ tin cậy trong dự báo lún cố kết nền đường đắp trên nền đất yếu theo thời gian

SVTH: Võ Quốc Dũng, Bùi Thanh Quân
GVHD: TS. Trần Trung Việt

Đề tài trình bày kết quả phân tích, đánh giá độ tin cậy, cũng như dự báo độ lún cố kết theo thời gian dưới sự thay đổi ngẫu nhiên các tính chất cơ lý của đất nền. Mô hình “Response surface” được sử dụng để xây dựng tương quan giữa độ lún cố kết (St) và các đại lượng ngẫu nhiên với bài toán có và không xét đến ảnh hưởng thời gian gia tải. Kết quả phân tích đã chỉ ra vai trò của việc sử dụng độ tin cậy để dự báo lún cố kết. Mô hình dự báo đề xuất cho phép các nhà thiết kế nhanh chóng xác định được giá trị St với độ tin cậy cao. Kết quả nghiên cứu được đánh giá từ giá trị quan trắc thực tế tại công trình đường Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và đã chỉ ra rằng mô hình được đề xuất để dự báo St cho độ chính xác cao.

Nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm đầm nén và công đầm nén đến chất lượng của hỗn hợp cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng

SVTH: Nguyễn Chiến Thắng, Ngô Đức Nguyên
GVHD: Ths. Trần Thị Thu Thảo

Bài viết trình bày một số kết quả nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của độ ẩm đầm nén và công đầm nén đến cường độ chịu nén, cường độ ép chẻ và mô đun đàn hồi của cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng trong công tác xây dựng móng đường ô tô cấp cao từ đó có những nhận định đánh giá ban đầu để tăng cường nâng cao công tác đảm bảo chất lượng trong quá trình thi công. Kết quả cho thấy độ ẩm đầm nén, công đầm nén ảnh hưởng rất nhiều tới cường độ của cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng. Vì vậy cần nghiên cứu lựa chọn độ ẩm đầm nén cũng như công đầm nén hợp lý đảm bảo chất lượng cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng.

Nghiên cứu biện pháp giảm chấn cầu dây văng tại nút giao thông Ngã ba Huế – Thành phố Đà Nẵng chịu tác động của động đất

SVTH: Thái Văn Ngãi, Nguyễn Bá Ngọ
GVHD: PGS.TS. Hoàng P. Hoa, Th.S. Nguyễn H. Vĩnh, Th.S. Phan Hoàng Nam

Kết cấu cầu dây văng đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam trong những năm gần đây. Sở dĩ cầu dây văng được sử dụng nhiều do nó có nhiều tính năng tốt như: vượt nhịp lớn, kết cấu có độ cứng lớn và độ ổn định cao… Tuy nhiên, cũng như các loại kết cấu nhịp lớn khác, kết cấu cầu dây văng rất nhạy đối với các loại tải trọng động như: gió bão, động đất… Nghiên cứu trong bài báo xây dựng một giải pháp cấu tạo gối cầu cho kết cấu cầu treo dây văng tại tại nút giao thông Ngã Ba Huế – thành phố Đà Nẵng sử dụng gối con lắc ma sát đơn (gối SFP). Hiệu quả giảm chấn của hệ thống gối con lắc ma sát đơn được đánh giá dựa trên phân tích ứng xử của kết cấu cầu chịu tác dụng của tải trọng động đất.

Nghiên cứu sử dụng xỉ than từ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải làm cọc gia cố nền đất yếu cho đoạn đường đầu cầu khu tái định cư mở rộng – Tiểu dự án thành phố Trà Vinh

SVTH: Đoàn Ngọc Quận, Nguyễn Thị Mỹ Linh
GVHD: PGS.TS. Châu Trường Linh

Đề tài giới thiệu thí nghiệm, phân tích, so sánh các chỉ tiêu cơ lý của xỉ than nhằm tận dụng nguồn xỉ than phế thải từ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải làm cọc vật liệu rời gia cố cho nền đất yếucho đoạn đường dẫn đầu cầu khu tái định cư mở rộng – tiểu dự án TP Trà Vinh nhằm tăng sức chịu tải của nền đất, tăng cường sự ổn định cho công trình và tận dụng được nguồn phế thải này giải quyết một phần ô nhiễm môi trường do quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện Duyên Hải thải ra. Mô phỏng sự làm việc của cọc xỉ than tương tác với đất nền, các trường hợp gia cố nền đất yếu bằng cọc xỉ than khi thay đổi đường kính và chiều dài cọc. Dựa vào các biểu đồ quan hệ hệ số an toàn và độ lún để lựa chọn kích thước cọc phù hợp. Độ lún của nền đường giảm đáng kể sau khi được gia cố bằng cọc xỉ than. Giá thành thi công cọc xỉ than thấp hơn so với các cọc vật liệu rời khác có cùng kích thước.

Ứng dụng phần mềm PLAXIS để kiểm toán nền đất yếu và đề xuất các giải pháp xử lý cho tuyến đường Duy Hải đến cầu Trường Giang, Quảng Nam

SVTH: Nguyễn Thanh Tùng, Trương Ngọc Trung
GVHD: ThS. Võ Hải Lăng

Trình bày tổng quancác phương pháp tính toán và xử lý nền đất yếu, trên cơ sở số liệu “Báo cáo khảo sát địa chất công trình” kết hợp với lý thuyết cơ học đất và nền móng công trình lựa chọn phương pháp tính toán áp dụng cho tuyến đường. Ứng dụng phần mềm plaxis, phân tích, đánh giá các kết quả thu được qua đó đề xuất giải pháp xử lý nền đất yếu cho tuyến đường Duy Hải lên cầu Trường Giang vừa tối ưu về mặt kĩ thuật vừa hợp lý về mặt kinh tế.

Áp dụng lý thuyết độ tin cậy phân tích ảnh hưởng các tính chất cơ lý của đất và neo đến ổn định của mái dốc gia cố neo

SVTH: Trần Quang Huy, Phan Hà Nhân,
GVHD: TS. Trần Trung Việt

Nghiên cứu ứng dụng lý thuyết độ tin cậy trong địa kĩ thuật tập trung đánh giá ứng xử của các chỉ tiêu cơ lý ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, ổn định tổng thể của mái dốc gia cố neo không ứng lực trước – Soil Nailed slope. Mô hình hóa bài toán ban đầu và áp dụng phương pháp phần tử hữu hạn-SRM thông qua sự hỗ trợ của phần mềm Plaxis-2D đánh giá tổng thể ổn định của một loạt trường hợp mái dốc với các biến ngẫu nhiên là các chỉ tiêu cơ lý của đất và neo – Soil Nails. Các mô hình được tính toán xây dựng từ các mái dốc có độ cao 10m, độ dốc tương ứng từ 1:1, 2:1, 3:1, 4:1, 5:1, 6:1, với góc neo 0º,15º, và 30º.Mô phỏng kết quả của SRM bằng Matlab sau đó đánh giá tương quan kết quả của SRM và kết quả mô phỏng từ lý thuyết độ tin cậy, tính toán xác suất mái dốc mất ổn định trong không gian biến ngẫu. Từ đó, đánh giá tương quan xác suất mất ổn định tổng thể mái dốcPfvới các yếu tố đã nêu trên cho các trường hợp cố định về hình dạng, phương pháp bố trí neo từ đó có thể cho cái nhìn chung nhất về sự ảnh hưởng ít hay nhiều của các yếu tố mà tập trung xử lý khi có sự cố

Nghiên cứu lập bản đồ địa chất vùng Trung tâm Thành phố Trà Vinh phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông

SVTH: Nguyễn Văn Quân, Nguyễn Ngọc Minh,
GVHD: PGS.TS. Châu Trường Linh, KS. Huỳnh Hồng

Việc lập bản đồ địa chất để phục vụ công tác xây dựng hiện nay là rất quan trọng, vì vậy cần phải có một công cụ hỗ trợ giúp xác định nhanh, chính xác các mặt cắt địa chất, từ đó có thể đánh giá được địa chất của các vùng khảo sát một cách khách quan và hợp lí nhất. Tỉnh TV hiện đang thiếu bảng đồ ĐC như vậy. Dựa vào dữ liệu hố khoan được lưu trữ gần 30 năm với hơn 200 lỗ khoan được thực hiện trên địa bàn Tỉnh Trà Vinh, kết hợp với việc sử dụng phần mềm ARCGIS tích hợp hệ tọa độ VN-2000, nhóm NC đã xây dựng được bản đồ 3D địa chất vùng TT TP TV, xuất ra các mặt cắt địa chất bất kỳ và chỉ tiêu cơ lý tương ứng. Kết quả NC phục vụ công tác XD trên địa bàn thành phố Trà Vinh.

Nghiên cứu sử dụng hỗn hợp xỉ than-tro bay chưa qua xử lý-vôi đắp nền và làm lớp móng kết cấu áo đường trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

SVTH: Trương Bạch Dương, Lê Văn Hùng,
GVHD: PGS.TS. Châu Trường Linh, KS. Nguyễn Thị Phương Khuê

Đề tài giới thiệu thí nghiệm, phân tích các chỉ tiêu cường độ của hỗn hợp xỉ than – tro bay chưa qua xử lý và vôi nhằm tận dụng nguồn tro bay, xỉ than phế thải từ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải làm vật liệu sử dụng cho nền đường, lớp móng kết cấu áo đường với mục đích tận dụng được nguồn phế thải này giải quyết một phần ô nhiễm môi trường do quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện Duyên Hải thải ra. Mô phỏng sự làm việc của lớp vật liệu tương tác với đất nền, các trường hợp thay thế lớp móng kết cấu áo đường khi thay đổi chiều dày lớp vật liệu này. Dựa vào các biểu đồ quan sátưng suất và biến dạng so sánh với thực tế để lựa chọn lớp kết cấuphù hợp. Qua đó, kết luận về việc ứng dụng hỗn hợp vật liệu mới này trong thực tế thi công công trình đường tại tỉnh Trà Vinh

Ứng dụng mô phỏng Monte-Carlo phân tích ảnh hưởng các tính chất cơ lý của đất nền đến độ tin cậy của mái dốc gia cố bằng tường chắn trọng lực

SVTH: Lê Đình Tết, Trần Văn Lân,
GVHD: TS. Trần Trung Việt

Nội dung đề tài đề cập về việc dựa trên mô phỏng Monte-Carlo để thiết lập, xây dựng phương trình độ tin cậy của tường chắn trọng lực nhằm xác định kích thước: chiều cao, bề rộng móng, chiều sâu chôn móng và độ dốc sau lưng tường đảm bảo ổn định mái dốc khi gia cường bằng tường chắn trọng lực. cung cấp một độ tin cậy với tường chắn nhằm mục đích đảm bảo tường cũng như mái dốc ổn định trong quá trình khai thác sử dụng dưới tác dụng của môi trường và cơ chế hoạt động, tính chất vật lý của đất. Ngoài ra, việc sử dụng độ tin cậy ngày càng phổ biến khi lợi ích mà nó đem lại là rất lớn, việc nghiêng cứu này là cơ sở tính toán góp phần giúp các nhà thiết kế có thể so sánh với kết quả mà họ làm ra

Đỗ Hữu Đạo

Khoa Xây dựng Cầu Đường, trường ĐH Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.

E-mail: [email protected]

Phan Hoàng Nam

Khoa Xây dựng Cầu Đường, trường ĐH Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng.

E-mail: [email protected]

Tài liệu tham khảo

[1] Kỷ yếu sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng năm 2014.
[2] Kỷ yếu sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng năm 2015.
[3] Kỷ yếu sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng năm 2016.
[4] Kỷ yếu sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Xây dựng Cầu đường, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng năm 2017.