Gặp Gỡ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 4 về Kỹ thuật và Khoa học Trái Đất Gần Bề mặt NSGE 2021

Gặp Gỡ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 4 về Kỹ thuật và Khoa học Trái Đất Gần Bề mặt 2021 (NSGE 2021), Hội Nghị Quốc Tế đồng tổ chức bởi EAGE (Hiệp hội châu Âu các kỹ sư và các nhà khoa học trái đất), VAEGE (Hội Địa Chất Công Trình và Môi Trường Việt Nam) và PVU (Đại Học Dầu Khí Việt Nam) tại Việt Nam từ 29/11 đến 2/2/2021. Hiệp Hội các kỹ sư và các nhà khoa học trái đất châu Âu (EAGE) là một trong những hiệp hội nghề nghiệp có uy tín nhất trên thé giới, https://eage.org/. EAGE được thành lập vào năm 1951 ở châu Âu và đã phát triển thành một tổ chức toàn cấu nhằm kết nối các nhà khoa học trái đất và các kỹ sư chuyên nghiệp làm việc liên quan đến lĩnh vực này, đặc biệt là trong tìm kiếm, khai thác dầu khí và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. Với sự biến đổi khí hậu toàn cầu và sự dịch chuyển năng lượng ngày càng mạnh mẽ từ thăm dò, khai thác năng lượng hóa thạch (dầu khí, than đá v.v…) đến các nguồn năng lượng mới, xanh, tái tạo (khí cháy, địa nhiệt, khí hydro, mặt trời, gió, sóng biển, thủy triều v.v…) các chủ đề hội nghị EAGE tại đại hội hàng năm ở châu Âu và ở các hội nghị, hội thảo khác của EAGE ở khắp các nơi trên thế giới đã ngày một đa dạng hơn, chú trọng nhiều hơn đến sự hợp tác giữa khoa học trái đất (geoscience) và địa kỹ thuật (geoengineering), nổi bật gần đây là những chủ đề về chuyển đổi số và dịch chuyển năng lượng, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) và máy học (machine learning, ML), ứng dụng của khoa học trái đất trong phát triến các đô thị thông minh, giảm thiểu và kiểm soát các tai biến địa chất, https://eage.org/events/calendar-of-events/.
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa và phi tập trung họat động của mình, EAGE từ 2011 đã thiết lập một trung tâm châu Á-Thái Bình Dương (TBD), với trụ sở đặt tại Kuala Lampur, Malaysia. Trong rất nhiều các hoạt động tích cực và hữu ích của EAGE châu Á-TBD, chuỗi hội nghị về kỹ thuật và khoa học trái đất gần bề mặt đã được đề xuất và triển khai nhằm thúc đẩy gặp gỡ trao đổi giữa các kỹ sư, các nhà nghiên cứu khoa học trái đất ở châu Á-TBD và các nơi khác trên thế giới. Có thể liệt kê bốn hội nghị liên quan đến chủ đề này đã được tiến hành cho đến nay như sau:
• The EAGE-HAGI 1st Asia Pacific Meeting on Near Surface Geoscience & Engineering (NSGE 1), from 11 to 12 April 2018, Yogyakarta, Indonesia.
• The EAGE-GSM 2nd Asia Pacific Meeting on Near Surface Geoscience & Engineering (NSGE 2) from 22 to 26 April 2019, Kuala Lumpur, Malaysia.
• The EAGE-GSM 3rd Asia Pacific Meeting on Near Surface Geoscience & Engineering (NSGE 3) from 2 to 5 November, 2020, Online, Chiang Mai, Thailand.
• The 4th EAGE-VAEGE-PVU Asia-Pacific Meeting on Near-surface Geoscience and Engineering 2021 (NSGE 4) from 29 Nov. to 2 Dec., 2021, Online, Ho Chi Minh City, Vietnam having the theme of “Innovation in Near Surface Geoscience and Engineering for Sustainable Development of Resource, Energy, Infrastructure, Environment”
NSGE 2021 mới kết thúc vào ngày 2/12/2021, có chủ đề là “Sáng tạo trong kỹ thuật và khoa học trái đất gần bề mặt vì sự phát triển bền vững tài nguyên, năng lượng, hạ tầng cơ sở, môi trường” https://eage.eventsair.com/4th-ap-meeting-on-near-surface-geoscience-engineering/.Ban đầu hội nghị được dự kiến sẽ tiến hành bình thường, với hai hội thảo được tiến hành trong ngày đầu, 29/11/2021, tại Đại Học Dầu Khí (PVU), thành phố Baria. Sau đó với hội nghị tiếp tục diễn ra trong 3 ngày tại thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu quốc tế kỳ vọng sẽ được tham quan và thưởng thức vẻ đẹp của Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do tình hình Covid19 diễn biễn xấu ở TPHCM và các tỉnh lân cận từ tháng 7/2021, ban tổ chức buộc phải chuyển sang hình thực họp trực tuyến hoàn toàn. Để hội nghị có thể thành công một loạt vấn đề mới phát sinh phải giải quyết, ví dụ như: mất đi một số hỗ trợ tài chính của các công ty địa chất, địa vật lý, địa kỹ thuật; làm quen với hệ thống họp trực tuyến mới của EAGE; các khâu điều hành một phiên họp, trình bày, trao đổi, ghi bài phải thuận tiện và nhuần nhuyễn. Rất may là mọi việc đã diễn ra tốt đẹp.
NSGE 2021 là một sáng kiến được Hội Địa chất Công trình và Môi trường Việt Nam (HĐCTC&MT hay VAEGE) đề xuất nhằm thúc đẩy hoạt động quốc tế của mình sau khi một ban chấp hành mới được bầu vào cuối năm 2020, vaege.com.vn, trong đó chi hội phía Nam đã đóng vai trò chủ động tích cực. Do có quan hệ tốt với Việt Nam từ trước, đặc biệt là với các đối tác trong ngành dầu khí, EAGE đã ủng hộ nhiệt tình và một ban kỹ thuật bao gồm các chuyên gia quốc tế trong khu vực và trên thế giới được thành lập với sự tham gia của nhiều đồng nghiệp Việt Nam, có những kinh nghiệm tham gia và tổ chức các hội nghị quốc tế. Bên cạnh đó, hội nghị đã nhận được sử ủng hộ từ các cơ quan và hiệp hội chuyên môn trong nước thông qua một ban cố vấn bao gồm đại diện của các cơ quan và tổ chức như Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình VN (Vietnam Society for Soil Mechanics and Geotechnical Engineering, VSSMGE), Hội Địa vật lý Việt Nam (Vietnam association of Geophysicists, VAG), Hội địa chất Thủy văn Việt Nam (VAH), Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) v.v.
Hội nghị đón nhận hơn 100 đại biểu từ 63 tổ chức thuộc 23 nước tham gia. Dr. Dirk Olowski (EAGE President) có hai bài diễn văn mở đầu cho các hội thảo và tại hội nghi chính thức đã đánh giá rất cao cách tổ chức cũng như chất lượng của các nghiên cứu trình bày ở hội nghị, như xem ở https://eage.eventsair.com/4th-ap-meeting-on-near-surface-geoscience-engineering/conference-programme)/.

Một số nét nổi bật của hội nghị này có thể tóm tắt như sau:

• Ngày 29/11/2021 Hội nghị bắt đầu bằng hai hội thảo chuyên sâu với hai chủ đề rất nóng liên quan đến Việt Nam. Hội thảo thứ nhất về “Lún đất của Đồng Bằng Sông Mê Kong và các đồng bằng châu thổ khác: nguyên nhân, quan trắc, dự báo và ảnh hưởng”. Đây là dịp tốt để các nhà nghiên cứu trong nước có cơ hội trao đổi trực tiếp với hai nhà nghiên cứu quốc tế, tuy còn trẻ nhưng đã tầm ảnh hưởng đáng kể với nghiên cứu lún và ô nhiễm arsen ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, cụ thể là Dr. Laura Erban, USEPA, có bài trình bày về “Remotely Sensed Land Subsidence Rates (2006-2010) in the Mekong Delta Linked to Groundwater Extraction” dựa trên cơ sở luận văn tiến sĩ đã bảo vệ tại Standford University, USA, và Dr. Philip S.J. Minderhoud, University of Wageningen, Hà Lan, với bài trình bày về “Modelling Mekong Delta Subsidence, Challenges and How to Improve Quantifications”, cũng dựa trên luận án tiến sĩ gần đây với tiêu đề khá nổi tiếng “Một đồng bằng châu thổ đang chìm” nói về lún của Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo thứ 2 về “Điện gió ngoài khơi, các nguồn năng lượng tái tạo và dịch chuyển năng lượng” được Viện Dâu Khí Việt nam (Vietam Petroleum Institute, VPI) hỗ trợ và điêu hành, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các kỹ sư và học giả trong và ngoài nươc với nhiều bài trình bày chất lượng về quy hoạch sử dụng không gian biển, khảo sát và xây dựng các mô hình đất đá để phát triển các trại gió (geodata and geomodels), nguồn năng lượng khí hydro v.v…
• Trong ba ngày từ ngày 30/11 đến 2/12/2021 hội nghị tiếp tục với các bài trình bày đỉnh cao quan trọng (6 keynote lectures, xem H.1), các bài trình bày mời (6 invited lectures) do các các chuyên gia và học giả nổi tiếng thuyết trình, và 42 trình bày chuyên đề bằng miệng (oral presentation) hoặc áp phích (poster presentations) được xắp xếp theo hai mạch lớn là Tích hợp địa kỹ thuật và địa vật lý nông (Integrated geotechnical and geophysical engineering) và Thăm dò tài nguyên thiên nhiên & địa vật lý sâu (Natural resources exploration, deep geophysics). Tất cả các buổi trình bày diễn ra rất sôi nổi, chất lượng, với những thảo luận hứng thú. Nhiều phiên họp đã đề cập đến những chủ đề nóng, hiện đại như: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và học máy vào địa vật lý, địa vật lý đô thị, mô phỏng và phân tích ngược trong địa vật lý, địa chấn thụ động v.v..Cũng lưu ý thêm rằng các hội nghi EAGE đòi hỏi chất lượng kỹ thuật cao và các bài trình báy được chấp nhận sẽ được đưa vào Cơ sở dữ liệu hàng đầu SCOPUS của Elsevier.
• Bên cạnh các buổi trình bày khoa học, kỹ thuật, Hội nghi còn tổ chức hai khóa học ngắn hạn về: 1) “From AEM Data to 3D Hydrogeological Conceptual Model” và 2) “TEM methods with hands-on exercise”.
• Trong các nhà tài trợ cho hội nghị NSGE 2021 lần này nổi bật lên có Tài Trợ Vàng (Gold Sponsor) duy nhất của Technical World, một công ti địa kỹ thuật của Việt Nam, bên cạnh các tên tuổi khác như Austhai (Platinum Sponsor), OYO, Impulse Radar, Geosiam, IRIS, ABEM etc. (Silver Sponsor) v.v…
Trong diễn văn bế mạc, chủ tịch hội nghị đã đưa ra những kết quả dựa trên phân tích dùng POWER BI khá thú vị như trình bày ở Hình 2 và 3 dưới đây. Marcel Van Loon, Giams đốc điều hành của EAGE (the EAGE Executive Director) trong thư cảm ơn gửi ngày 8/12/2021 đã viết cho ban tổ chức của Việt nam như sau: “Thay mặt đơn vị tổ EAGE, chúng tôi xin chân thành cảm ơn những đóng góp quan trọng của bạn với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Châu Á -TBD lần thứ 4 về Kỹ thuật và Khoa học Trái Đất Gần Bề mặt NSGE 2021 từ ngày 30/11 đến 2/12/2021, tiến hành trực tuyến. Sự kiện đã nhận được nhiều lời khen ngợi chân thành và đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi dưới sự chủ trì của các bạn, với 100 đại biểu đến từ 64 tổ chức và 23 quốc gia.“. Đây là thành công chung của tất cả các đồng nghiệp Việt nam đã tham gia tổ chức và trình bày bày báo cáo, đặc biệt là sự đồng tổ chức tận tâm của HĐCCT&MT (VAEGE), Technical World Co., Đại Học Dầu Khí (PVU) và Viện Dầu Khí (VPI). Nhân dịp này cho phép tôi với tư cách chủ tich hội nghị NSGE 2021 và phó chủ tịch Hội ĐCCT&MT Việtnam (VAEGE) xin gửi lời cảm ơn đến TS. Phùng Đức Long, chủ tịch VSSMGE, đã tham gia Ủy ban cố vấn NSGE 2021 và đã góp phần vào thành công tốt đẹp của NSGE 2021.
Gặp Gỡ Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 5 về Kỹ thuật và Khoa học Trái Đất Gần Bề mặt 2022 (NSGE 2022) sẽ được tổ chức vào ngày 24-27 tháng 10, 2022 tại Đàì Bắc, Taiwan, với đồng chủ trì là hội địa kỹ thuật Đài Loan. Xin mới các đồng nghiệp ở VSSMGE quan tâm và tham gia.

Hình 1. Các bài giảng keynote tại NSGE 2021
Hình 2. Năm nước dẫn đầu về số lượng bài tham gia, trong đó Việt Nam đứng đầu với 30%.
Hình 3. Số lượng bài trình bày liên quan đến các chủ đề địa kỹ thuật (Geoengineering) chiếm tới 32% là điều từng tại các hội nghị NSGE trước đây.

Phạm Huy Giao

Phó chủ tịch phụ trách đối ngoại VAEGE.

Email: [email protected]