Công tác giảng dạy Địa Kỹ Thuật tại các trường đại học kỹ thuật khu vực phía Bắc

Nhóm trường đại học khối kỹ thuật khu vực phía Bắc có đào tạo về lĩnh vực Xây dựng tập trung chủ yếu tại Hà Nội và giàu truyền thống. Điển hình như trường đại học Giao thông Vận tải, đại học Thủy lợi, đại học Xây dựng, đại học Kiến trúc, học viện kỹ thuật Quân sự (đại học Lê Quý Đôn) … Các ngành đào tạo về lĩnh vực Xây dựng tại các trường đại học này khá phong phú như: Kỹ thuật Xây dựng, kỹ thuật Xây dựng công trình Giao thông, kỹ thuật Xây dựng công trình thủy, kỹ thuật Hạ tầng cơ sở … Hàng năm, hàng ngàn kỹ sư tốt nghiệp ra trường, đã, đang và sẽ có những đóng góp về Tâm – Trí – Lực đặc biệt lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ngay từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu về Địa kỹ thuật không chỉ là những Người tiên phong trong đào tạo kỹ sư lĩnh vực Xây dựng, mà còn là những thành viên đầu tiên đặt nền móng thành lập Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam ngày nay.

Công tác giảng dạy và vai trò của Địa kỹ thuật trước đây

Khoa học “Địa kỹ thuật” gồm các kiến thức về Địa chất công trình, Cơ học đất, Cơ học đá, hay Nền và Móng công trình. Chúng luôn có chỗ đứng vững chắc trong khối kiến thức cơ sở ngành thuộc chương trình đạo tạo kỹ sư lĩnh vực Xây dựng ở các trường Đại học trên thế giới cũng như ở nước ta. Vì lẽ đó, ngay từ những năm 60 – 70 thế kỉ trước, công tác giảng dạy “Địa kỹ thuật” tại các trường Đại học khu vực phía Bắc đã luôn được coi trọng. Khi đó, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các nhà giáo, các nhà khoa học, và cũng là những cán bộ chủ chốt của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam đã quan tâm đặc biệt việc phát triển khoa học cũng như giảng dạy và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu Địa kỹ thuật. Tiêu biểu trong số đó có thể kể tới như cố GS. Lê Quý An, các giáo sư Bùi Anh Định (trường ĐH GTVT), Nguyễn Công Mẫn, Cao Văn Chí, Phan Trường Phiệt (trường ĐH Thủy lợi), Nguyễn Văn Quỳ, Vũ Công Ngữ (trường ĐH XD), hay Nguyễn Bá Kế (viện KH CNXD), Nguyễn Thanh (ĐH Huế), Phạm Văn Tỵ (trường ĐH Mỏ – Địa chất) … Ngay từ những năm khó khăn đó, ngoài công tác giảng dạy về Địa chất công trình, Cơ học đất, Cơ học đá, hay Nền và Móng công trình cho sinh viên, công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và ứng dụng lĩnh vực này vào thực tế sản xuất cũng được quan tâm. Nhiều công trình xây dựng lớn giai đoạn 1960 – 1985 có những đóng góp không nhỏ của các nhà Địa kỹ thuật, các kỹ sư lĩnh vực xây dựng chuyên sâu về Địa kỹ thuật, tiêu biểu như nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Thác Bà …; các nhà máy xi măng Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn …; các công trình giao thông như đường Hồ Chí Minh, QL279, cầu Thăng Long, cầu Việt Trì, đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn, đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt Hà Nội – Lào Cai …

Công tác giảng dạy và đào tạo về lĩnh vực Địa kỹ thuật những năm gần đây

Cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, khoa học Địa kỹ thuật cũng luôn được đổi mới, phát triển, ngày càng khẳng định vị thế không thể thiếu cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Vì lẽ đó, công tác giảng dạy tại các trường Đại học cũng đã có nhiều thay đổi. Các môn học cơ sở đào tạo kỹ sư lĩnh vực Xây dựng (Địa chất công trình, Cơ học đất, Cơ học đá, hay Nền và Móng công trình) vẫn được duy trì, kế thừa các nền tảng lý thuyết sẵn có, luôn chú trọng việc cập nhật các kiến thức mới với các trường phái khoa học được đa dạng hóa từ các nước Tây Âu, Nga, Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản …. Nhiều môn học mới được bổ sung theo hướng chuyên sâu nhằm hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng hơn, chẳng hạn: Kỹ thuật cải tạo đất đá; Xây dựng công trình trên nền đất yếu; Cơ học đất không bão hòa; Cơ học đất nâng cao; Nền móng công trình đặc biệt … cũng được giảng dạy cho sinh viên lĩnh vực Xây dựng tại các trường đại học Giao thông Vận tải, đại học Xây dựng, đại học Thủy lợi, đại học Kiến trúc Hà Nội, đại học Công nghệ GTVT, đại học Lê Quý Đôn …
Ngoài việc học lý thuyết và thực hành, công tác đào tạo kỹ năng mềm và nghiên cứu khoa học của sinh viên luôn được trú trọng tại các trường Đại học khu vực phía Bắc. Những năm qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên có giá trị khoa học và thực tiễn cao được hoàn thành, giành được nhiều giải thưởng từ các Bộ chủ quản và Quốc gia. Để hội nhập với xu thế phát triển chung của thế giới, một số trường Đại học khối kỹ thuật có đào tạo về lĩnh vực Xây dựng đã đào tạo kỹ sư chuyên ngành hay ngành Địa kỹ thuật xây dựng. Chẳng hạn, chuyên ngành Địa kỹ thuật xây dựng CTGT (trường ĐH GTVT), chuyên sâu Địa kỹ thuật công trình (trường ĐH Thủy lợi) …
Những năm gần đây, riêng trường ĐH GTVT có tới 15 khóa sinh viên với trên 500 kỹ sư chuyên ngành Địa kỹ thuật CTGT tốt nghiệp. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật này góp phần quan trọng không chỉ đối với việc nâng cao chất lượng Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Tư vấn thiết kế hay thẩm tra hồ sơ thiết kế Xây dựng, chất lượng thi công xây dựng …, mà còn dần định hình rõ nét, khẳng định vị thế của “Địa kỹ thuật” trong lĩnh vực xây dựng và phát triển kinh tế bền vững của nước ta.

Giờ học trên giảng đường của sinh viên ngành KT XD CTGT tại trường Đại học GTVT (12/2020)
Hội nghị sinh viên NCKH tiểu ban Địa kỹ thuật CTGT tại trường đại học GTVT (7/2020)
Hội nghị sinh viên NCKH tiểu ban Địa kỹ thuật CTGT tại trường đại học GTVT (7/2020)

Ngoài bậc đại học, bậc sau đại học về Địa kỹ thuật cũng được các trường Đại học hay các viện nghiên cứu khu vực phía Bắc quan tâm. Nhiều khóa thạc sĩ “Địa kỹ thuật xây dựng”, “Địa kỹ thuật XD CTGT” được đào tạo tại trường ĐH Thủy lợi, đại học Xây dựng, đại học GTVT …. Đội ngũ cán bộ chuyên sâu này hiện là nòng cốt của nhiều đơn vị hoạt động về Tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, quản lý dự án hay quản lý nhà nước, và cũng là những Hội viên tích cực của Hội cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam.
Tiếp nối đào tạo tiến sĩ chuyên ngành “Cơ học đất & Xây dựng công trình ngầm” trước đây, hiện nay bậc tiến sĩ được đào tạo gồm ngành hay chuyên ngành “Địa kỹ thuật xây dựng”/ “Địa kỹ thuật XD CTGT” tại nhiều cơ sở. Tiêu biểu trong số này có thể kể tới như: Trường ĐH GTVT, trường ĐH Thủy lợi, trường ĐH Xây dựng, viện KHCN Xây dựng, viện KHCN Thủy lợi, viện KHCN GTVT… Ngoài nguồn được đào tạo từ Ngoài nước, các cán bộ được đào tạo trình độ cao này đã và đang góp phần quan trọng trong việc định hướng khoa học, sáng tạo khoa học, phát triển tư duy và phương pháp luận nghiên cứu, cũng như đưa khoa học “Địa kỹ thuật” vào cuộc sống.

Bảo vệ tốt nghiệp và lễ trao bằng tốt nghiệp cho kỹ sư chuyên ngành Địa kỹ thuật CTGT tại trường đại học GTVT (01/2021)
Bảo vệ tốt nghiệp và lễ trao bằng tốt nghiệp cho kỹ sư chuyên ngành Địa kỹ thuật CTGT tại trường đại học GTVT (03/2021)
Hội thảo mở rộng góp ý dự thảo luận án tiến sĩ chuyên ngành Địa kỹ thuật CTGT tại trường Đại học GTVT (10/2020)
Hội thảo mở rộng góp ý dự thảo luận án tiến sĩ chuyên ngành Địa kỹ thuật CTGT tại trường Đại học GTVT (02/2021)

Thay lời kết

Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2015, có thể coi là khoảng thời gian “bùng nổ” đào tạo kỹ sư lĩnh vực Xây dựng nói chung tại các trường Đại học ở nước ta. Khi đó, số lượng tuyển sinh đông, chất lượng tuyển sinh tốt. Đến nay khối ngành này đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh ở cả bậc Đại học và sau Đại học. Phần lớn các sinh viên theo học có chất lượng tuyển sinh không cao, đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo kỹ sư, trong đó có “Địa kỹ thuật”. Đây có thể xem là thách thức lớn đối với đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm về công tác đào tạo và nghiên cứu “Địa kỹ thuật” trong việc phát triển đội ngũ kế cận. Song, cũng có thể xem là cơ hội tốt để định hình và cơ cấu lại việc nâng cao chất lượng giảng dạy về “Địa kỹ thuật” tại nước ta, nhằm sớm hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế, từng bước đào tạo được các kỹ sư hay thạc sĩ đạt chuẩn các nước phát triển trong khu vực.

Nguyễn Đức Mạnh
Trường Đại học Giao thông Vận tải, Hà Nội.

E-mail: [email protected]