Quy chế – Điều lệ

CHƯƠNG I: TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi

  • Tên gọi của hội: Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam
  • Tên giao dịch quốc tế: Vietnam Society of Soil Mechanics and Geotechnical Engineering
  • Tên Viết tắt của hội: VSSMGE

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

  • Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện, hoạt động phi lợi nhuận, tập hợp của các hội viên là công dân, tôt chức Việt Nam là chuyên gia hoặc hoạt động trong lĩnh vực về Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình, cùng nhau đoàn kết phấn đấu góp phần xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
  • Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam hoạt động theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thiểu số phục tùng đa số và hoạt động theo pháp luật của Nhà nước.

Điều 3. Phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý

  1. Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước, theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và theo Điều lệ này. Hoạt động của Hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
  2. Hội có tư cách pháp nhân, có tài khoản tại Ngân hàng, có con dấu riêng và có cơ quan ngôn luận (báo, tạp chí, ấn phẩm,…).
  3. Trụ sở của Hội đặt tại Hà Nội.
  4. Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam là Hội thành viên của Tổng Hội Xây dựng Việt Nam.
  5. Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam được gia nhập các tổ chức Hội cùng chuyên ngành trong khu vực và quốc tế. Việc gia nhập theo quy định của pháp luật.

Tùy theo tình hình hoạt động, Hội có thể thành lập Văn phòng đại diện ở một số địa phương, việc thành lập theo quy định của pháp luật.


CHƯƠNG II: NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI

Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội

  1. Hoạt động theo đúng Điều lệ đã được phê duyệt.
  2. Điều hòa, phối hợp hoạt động của các hội viên trong việc tập hợp, động viên và giúp đỡ các cán bộ chuyên ngành về cơ học đất và địa kỹ thuật, phát huy truyền thống đoàn kết, thân ái, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng kiến thức góp phần đưa ngành cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam từng bước hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
  3. Thực hiện chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội về cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam; tham gia ý kiến về việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như các kế hoạch, dự án phát triển khoa học có liên quan đến chuyên ngành cơ học đất và địa kỹ thuật công trình;
  4. Tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, lập các dự án ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực cơ học đất và địa kỹ thuật công trình vào sản xuất và đời sống, tổng kết các vấn đề khoa học công nghệ trong các lĩnh vực cơ học đất và địa kỹ thuật công trình;
  5. Tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và chính sách pháp luật cho Hội viên;
  6. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội thành viên và hội viên theo đúng điều lệ hội và theo quy định của pháp luật;
  7. Đại diện cho các hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội;
  8. Được gây quỹ của Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải kinh phí hoạt động;

Mở rộng quan hệ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước về cơ học đất và địa kỹ thuật công trình.


CHƯƠNG III: HỘI VIÊN, CHI HỘI THÀNH VIÊN

Điều 5. Tiêu chuẩn hội viên

  1. Hội viên tổ chức: Các tổ chức (Tổng công ty, Viện, Trường…) hoạt động trong lĩnh vực cơ học đất và địa kỹ thuật công trình làm đơn tự nguyện xin gia nhập Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt Nam thì được Hội xem xét công nhận là Hội viên tập thể.
  2. Hội viên cá nhân: Công dân Việt Nam là chuyên gia đầu ngành về cơ học đất và địa kỹ thuật công trình, làm đơn tự nguyện xin gia nhập Hội thì được Hội xem xét công nhận là hội viên.
  3. Hội viên liên kết, hội viên danh dự: Các tổ chức và công dân Việt Nam không có điều kiện trở thành hội viên của Hội nhưng có đóng góp với Hội có thể trở thành đội viên danh dự, hội viên liên kết của Hội.

Hội viên liên kết hoặc hội viên danh dự không tham gia bầu cử, ứng cử vào Ban lãnh đạo của Hội và không biểu quyết các vấn đề của Hội. Ban chấp hành Hội quy định tiêu chuẩn hội viên, xem xét đề nghị thường trực Hội quyết định việc kết nạp hội viên.

Điều 6. Nhiệm vụ của hội viên

  1. Tôn trọng điều lệ Hội, nghiêm chỉnh chấp hành các Chỉ thị, Nghị quyết của Hội, tuyên truyền phát triển Hội viên, vận động quần chúng hưởng ứng mọi hoạt động của Hội;
  2. Chăm lo xây dựng khối đoàn kết nội bộ, để cùng nhau xây dựng ngành cơ học địa và kỹ thuật công trình tiến bộ, từng bước đi lên chính quy, hiện đại;
  3. Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, không ngừng nâng cao trình độ khoa học về lĩnh vực cơ học đất và địa kỹ thuật công trình;
  4. Phát huy nội lực, lòng tự hào dân tộc, tính sang tạo, tính trung thực của nghề nghiệp, sẵn sang cống hiến tất cả khả năng, kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình để phục vụ nhân dân, đấu tranh chống những tư tưởng và hành động có hại đến uy tín và nhiệm vụ của Hội;
  5. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về các khoa học cơ học đất và địa kỹ thuật công trình cho quảng đại quần chúng;
  6. Tham gia sinh hoạt, tìm đọc, phổ biến thông tin trong các tạp chí và các ấn phẩm do Hội và các Tổ chức liên quan xuất bản để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
  7. Đóng hội phí theo đúng quy định.

Điều 7. Quyền lợi của hội viên

  1. Thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội, ứng cử, đề cử và bầu ra Ban chấp hành các cấp của Hội;
  2. Được bồi dưỡng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, chuyên môn và các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động của Hội;
  3. Được trình bày các đề tài nghiên cứu của mình trong các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật của Hội để các bạn đồng nghiệp tham gia đóng góp, bổ sung cho đề tài hoàn chỉnh;
  4. Được Hội nhận xét về các công trình của mình, khi cần thiết, được chọn lọc để đề nghị khen thưởng, hoặc được công nhận và bảo vệ quyền tác giả, sáng tác;
  5. Được giới thiệu đăng tải các công trình nghiên cứu khoa học trên tạp chí, nội san của Hội, Tống Hội;
  6. Được Hội bảo vệ những quyền lợi hợp pháp, chính đáng trong hoạt động nghề nghiệp;
  7. Được xin ra khỏi hội khi xét thấy không đủ điều kiện tiếp tục tham gia

Điều 8. Nhiệm vụ của Chi hội thành viên

  1. Tôn trọng và thực hiện Điều lệ của Hội.
  2. Tham gia các hoạt động của Hội.
  3. Tổ chức việc trao đổi kinh nghiệm hoạt động chuyên môn và ứng dụng khoa học công nghệ chuyên ngành cơ học đất và địa kỹ thuật công trình.
  4. Định kỳ báo cáo hoạt động của mình lên Hội.
  5. Đóng hội phí theo quy định.
  6. Các Chi Hội thành viên của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công tình Việt Nam được gia nhập các tổ chức Hội cùng chuyên ngành trong khu vực và quốc tế. Việc gia nhập theo quy định của Pháp luật.

Điều 9. Quyền lợi của chị hội thành viên

  1. Đề nghị, thảo luận, phê bình công việc của Hội.
  2. Đề nghị Hội can thiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội, Hội viên.
  3. Giới thiệu người ứng cử và bầu cử Ban chấp hành Hộp.
  4. Đề nghị Hội khen thưởng.
  5. Được xin ra khỏi hội khi xét thấy không đủ điều kiện tiếp tục tham gia.

CHƯƠNG IV: TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 10. Tổ chức của Hội

  1. Tổ chức và hoạt động của Hội theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản và tự trang trải kinh phí
  2. Việc thành lập Chi Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Chi hội thành viên theo quy định của pháp luật.
  3. Tổ chức của Hội bao gồm:
  4. Đại hội đại biểu toàn quốc;
  5. Ban Chấp hành (BCH);
  6. Ban Thường vụ (BTV);
  7. Ban Kiểm tra (BKT);
  8. Các Ban chuyên môn;
  9. Văn phòng hội.

Điều 11. Đại hội đại biểu toàn quốc

  1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam là đại hội đại biểu toàn quốc, 5 năm họp một lần. Đại hội họp bất thường khi có ít nhất 2/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành Hội hoặc 1/2 số Chi Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình yêu cầu.

Thành phần, số lượng đại biểu dự đại hội BCH Hội Cơ học và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam quy định.

  1. Nhiệm vụ của Đại hội:
  • Tổng kết, đánh giá hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ, bản phương hướng, kế hoạch hành động của nhiệm kỳ mới;
  • Thông qua, sửa đổi Điều lệ (nếu có);
  • Bầu Ban Chấp hành Hội và ban Kiểm tra Hội;
  • Quyết định những vấn đề quan trọng về tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội.

Điều 12. Nguyên tắc biểu quyết tại đại hội

  1. Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.
  2. Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được trên 1/2 (một phần hai) đại biểu chính thức có mặt tán thành.

Điều 13. Ban chấp hành

  1. Cơ quan lãnh đạo giữa hai nhiệm kỳ Đại hội là Ban chấp hành Hội. Số lượng ủy viên Ban chấp hành Hội do đại hội ấn định và trực tiếp bầu. Số lượng ủy viên Ban chấp hành Hội có thể được bổ sung không quá 20% tổng số ủy viên Ban chấp hành Hội.Việc bổ sung ủy viên Ban chấp hành do Ban chấp hành Hội quyết định.
  1. Ban Chấp hành có nhiệm vụ:
  2. Lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội;
  3. Lãnh đạo thực hiện Điều lệ của Hội;
  4. Phát triển mối quan hệ với các tổ chức trong và ngoài nước, góp phần phát triển Hội;
  5. Theo dõi hoạt động các Chi Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình, các Ban chuyên môn và các tổ chức Khoa học Công nghệ trực thuộc Ban chấp hành Hội;
  6. Bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội;

Ban chấp hành Hội họp định kỳ một năm một lần (trừ trường hợp đột xuất).

Điều 14. Ban Thường vụ

  1. Ban Thường vụ là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành, số lượng Ủy viên ban Thường vụ không quá 1/3 tổng số Ủy viên Ban Chấp hành gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số Ủy viên.Cơ quan thường trực của Ban chấp hành Hội gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký và một số Ủy viên.
  1. Cơ quan Thường trực Hội có nhiệm vụ
  2. Lãnh đạo thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Hội giữa hai kỳ họp của Ban chấp hành Hội;
  3. Lập kế hoạch, báo cáo các hoạt động chung theo quy định của ban chấp hành Hội;
  4. Theo dõi hoạt động của các Chi Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình, các Ban chuyên môn và các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Hội;
  5. Quyết định hình thức khen thưởng và kỷ luật;
  6. Quyết định thành lập các Ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc Hội, các tổ chức khoa học công nghệ và dịch vụ. Việc thành lập các tổ chức thuộc Hội theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan Thường trực Hội ban hành quy định quy chế riêng về việc tổ chức, hoạt động và quản lý các tổ chức trực thuộc trên cơ sở quy định của pháp luật;
  7. Quyết định công nhận hội viên của Hội.

Cơ quan Thường trực Hội họp định kỳ 3 tháng một lần. Khi cần thiết theo đề nghị của Chủ tịch và Tổng Thư ký, Cơ quan Thường trực Hội có thể triệu tập họp bất thường.

Điều 15. Chủ tịch Hội

  1. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội bầu ra trong số các Ủy viên thường vụ. Chủ tịch là người chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hội.
  2. Chủ tịch có nhiệm vụ chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành và ban Thường vụ hội: điều hành các hoạt động hàng ngày của Hội và triển khai, thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội theo đúng pháp luật. Ký các nghị quyết của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ. Các văn bản quan trọng khác phải tham khảo ý kiến và có sự nhất trí của đa số Ủy viên Ban Thường vụ. Trường hợp khẩn cấp thì sau khi ký văn bản phải thông báo kịp thời cho Ban Thường vụ.

Trường hợp khi Chủ tịch vắng mặt, nếu cần có thể ủy quyền cho một Phó Chủ tịch thực hiện nhiệm vụ của Chủ tịch.

Điều 16. Phó Chủ tịch Hội

  1. Phó Chủ tịch do Ban chấp hành bầu ra trong số Ủy viên Ban Thường vụ theo đề nghị của Chủ tịch Hội.
  2. Phó Chủ tịch có nhiệm vụ giúp Chủ tịch và cùng với Chủ tịch chịu trách nhiệm về hoạt động của Hội và các lĩnh vực công tác được Chủ tịch Hội phân công.

Điều 17. Tổng thư ký

Tổng Thư ký do ban Chấp hành Hội bầu ra, thường trực giải quyết các công việc do Chủ tịch phân công và điều hành mọi hoạt động thường nhật của Hội.

Điều 18. Ban Kiểm tra

  1. Ban Kiểm tra do Đại hội Đại biểu toàn quốc bầu ra. Ban Kiểm tra của Hội bao gồm: Trưởng Ban, Phó Ban và một số Ủy viên. Trưởng ban Kiểm tra là một ủy viên Ban Thường trực Hội. Nhiệm kỳ Ban Kiểm tra là 5 năm theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội.
  2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
  3. Kiểm tra việc chấp hành Điều lệ Hội, việc thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Hội;
  4. Yêu cầu các Chi Hội thành viên, các tổ chức, đơn vị thuộc Hội và các Hội viên báo cáo, trình bày các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm tra đã được Ban Chấp hành Hội quyết định kiểm tra;
  5. Kiểm tra tư cách hội viên, kiểm tra việc tham gia các hoạt động để trình Ban Chấp hành xem xét, quyết định biểu dương, khen thưởng, đồng thời phát hiện những vi phạm của Hội viên, báo cáo Ban Chấp hành để kịp thời chấn chỉnh;
  6. Kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài chính của Hội và các tổ chức thuộc Hội, xem xét và đề xuất việc, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến các tổ chức thành viên và Hội viên.
  7. Báo cáo các kết quả kiểm tra trong các hội nghị hàng năm và trong đại hội toàn thể.

CHƯƠNG V: TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 19. Nguồn thu của Hội

  1. Hội phí của Hội thành viên và Hội viên do Ban Chấp hành của Hội quy định;
  2. Tiền hỗ trợ của Nhà nước, tiền tài trợ của các tổ chức trong, ngoài nước.
  3. Các nguồn thu từ các hoạt động KHCN, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Các khoản chi của Hội

  1. Tài sản, tài chính của Hội không được chia cho Hội viên và quản lý, sử dụng theo quy định của Ban Chấp hành Hội và các quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính.
  2. Khi Hội giải thể thì toàn bộ tài sản của Hội được xử lý theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VI: KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 21. Khen thưởng

Tổ chức và hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác Hội sẽ được Hội khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Điều 22. Kỷ luật

  1. Tổ chức và hội viên vi phạm những điều sau đây tùy theo mức độ sẽ bị xử lý từ hình thức khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ khỏi Hội theo quy định của Ban Chấp hành Hội:
  2. Làm tổn hại đến uy tín của Hội;
  3. Vi phạm Điều lệ của Hội.
  4. Trường hợp có gây thiệt hại về vật chất, ngoài hình thức kỷ luật còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

CHƯƠNG VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Chỉ có Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ này.

Điều 24. Hiệu lực thi hành

Bản Điều lệ này gồm VII Chương và 24 Điều đã được Đại hội toàn quốc của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 12 năm 2005 và có hiệu lực thi hành kể từ khi được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt.


Tài liệu liên quan