Lịch sử phát triển

Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Việt nam (Hội CHĐ&ĐKTCT VN), có tên tiếng Anh là Vietnamese Society for Soil Mechanics & Geotechnical Engineering (VSSMGE), được chính thức thành lập vào ngày 25 tháng 12 năm 1984. Tại Đại hội lần thứ nhất này, đã bầu ra vị chủ tịch đầu tiên của Hội là cố GS.TS. Lê quý An, lúc ấy là Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải, và hai phó chủ tịch là GS.TS Nguyễn Bá Kế và GS.TS. Nguyễn Thược (kiêm tổng thư ký của Hội).

Hội CHĐ&ĐKTCT VN là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo Điều lệ của Hội với chức năng chính là Tư vấn – Phản biện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, cũng như bồi dưỡng nâng cao trình độ của Hội viên.

Tiền thân của Hội CHĐ&ĐKTCT VN là Tổ Cơ học đất và Nền móng ra đời từ đầu những năm 1960, hoạt động trong Ban Khoa học Kỹ thuật của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước. Ngay sau khi thành lập Tổ, theo sáng kiến của Giáo sư Bùi văn Các với sự ủng hộ của Giáo sư Trần Đại Nghĩa,lúc bấy giờ là chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, đã tổ chức Hội nghị Cơ học đất và Nền móng toàn Miền bắc lần thứ nhất vào cuối năm 1962. Sáu năm sau,vào năm1968, được sự bảo trợ của Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Hội nghị Địa chất công trình và Cơ học đất- Nền móng toàn Miền bắc lần thứ hai đã được tổ chức, với gần 500 người tham dự, ngoài các cán bộ chuyên môn còn có cán bộ quản lý các ngành xây dựng (dân dụng và công nghiêp), giao thông, thuỷ lợi, v.v. Do yêu cầu công tác tư vấn, tháng 10 năm 1979, tại 303 Đội Cấn,trụ sở Uỷ ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Tổ học thuật Cơ học đất Nền móng đã được thành lập do ông Lê quý An (Đại học Giao thong vận tải) làm tổ trưởng với hai tổ phó là các ông Lê đức Thắng (Đại học Xây dựng Hà nội) và ông Nguyễn Công Mẫn (Đại học Thuỷ lợi).

Các thành viên sáng lập của Tổ học thuật lúc bấy giờ gồm một số cán bộ giảng dạy của các trường Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải và Đại học Thuỷ lợi, cũng như các cán bộ nghiên cứu tại các viện nghiên cứu khoa học xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, trong đó phải kể đến: GS.TS Nguyễn văn Quỳ, GS Dương quang Thành, TS. Chu thường Dân, GS. Nguyễn Công Mẫn, GS.TS. Vũ công Ngữ, GS.TS. Lê Đức Thắng, GS.TSKH. Nguyễn văn Quảng, PGS,TS. Nguyễn Thược, PGS.TS. Nguyễn Bá Kế, TS. Võ Cang (thư ký của Tổ) v.v.

Xây dựng công trình trên vùng đất yếu là vấn đề rất thời sự mà Tổ và Hội CHĐ&ĐKTCT phải đối mặt, nên một số giáo sư có tên tuổi như GS.N.N.Maslov (Nga), GS.A.Habib (Pháp) hay đã tới cố vấn cho một số dự án lớn ở miền Bắc và đọc bài giảng tại Hà nội theo các chủ đề trên.

Từ năm 1979 đến năm 1994, thực hiện chương trình hợp tác  giừa Việt nam và Thuỵ điển về địa kỹ thuật, thông qua chương trình SAREC của chính phủ Thuỵ điển,Viện Địa kỹ thuật Thuỵ điển (SGI) đã cử nhiều chuyên gia có uy tín sang Viện KHCN Xây dựng Việt nam cùng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới trong thí nghiệm trong phòng và hiện trường; xử lý các sự cố nền móng, ứng dụng các phương pháp xử lý nền tiên tiến như bang nhựa thoát nước thẳng đứng và trụ đất vôi-xi măng, v.v. Áp dụng cọc tiết diện nhỏ để xử lý lún của một số hạng mục tai Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những thành công trong hơn 10 năm của chương trình hợp tác này. Các nhà địa kỹ thuật đầu đàn của Thụy Điển như TS. Jan Harlen, TS. Bo Berggren, kỹ sư Bojn Moller, và đặc biệt là GS. Sven Hansbo, đã trở thành những người bạn thân thiết của những người làm công tác địa kỹ thuật Việt Nam. Theo sự giới thiệu của các người bạn Thuỵ điển, năm 1985, Hội CHĐ&ĐKTCT VN trở thành thành viên của Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật Công trình Quốc tế (ISSMGE) với 20 hội viên cá nhân.

Đại Hội toàn quốc Lần thứ hai của Hội CHĐ&ĐKTCT VN được tổ chức vào ngày 15/1/2000 tại Hà Nội. Tại Đại Hội lần này GS.TS. Lê Quý An được bầu làm Chủ tịch Hội, cùng PGS.TS. Nguyễn Bá Kế, Phó Chủ tịch, và PSG.TSKH Nguyễn Trường Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Cần phải ghi nhận những đóng góp to lớn của cố PGS.TS. Nguyễn Trường Tiến từ thập niên 1990 cho đến lúc mất vào 2014. Trong thời gian này, ông đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký (không chính thức từ năm 1997) và sau đó là chủ tịch Hội VSSMGE. Các hoạt động của Hội có nhiều khởi sắc: Viện Địa kỹ thuật (VGI) được thành lập; tạp chí Địa kỹ thuật của Hội VSSMGE ra đời; Hội CHĐ&ĐKTCT tích cực tham gia các Hội nghị, Hội thảo khu vực và quốc tế; các Hội thảo và các lớp học chuyên đề trong nước được tổ chức , v.v.

Các Hội viên Hội CHĐ&ĐKTCT ngành Thuỷ lợi trong nhiều năm, với sự giúp đỡ của GS. D.W.Fredlund đã đào tạo cho Việt nam nhiều tiến sĩ và thạc sĩ. Và môn Cơ học đất không bão hoà đã hấp dẫn không ít những người hoạt động trong lình vực Địa kỹ thuật ở Việt nam.

Năm 2007, Hội CHĐ&ĐKTCT VN trở thành thành viên sáng lập Hiệp hội các Hội địa kỹ thuật Đông Nam Á (The Association of Geotechnical Societies in Southeast Asia, AGSSEA).

Đại Hội toàn quốc Lần thứ Ba của Hội CHĐ&ĐKTCT VN được tổ chức vào ngày 18/6/2010 tại Hà Nội. Tại Đại Hội lần này PGS.TS. Nguyễn Trường Tiến được bầu là Chủ tịch Hội; cùng các Phó Chủ tịch là PGS.TS. Lê Đức Thắng và TS Phùng Đức Long; và Tổng Thư ký là TS. Nguyễn Công Giang. Kỹ sư Mai Triệu Quang đảm nhiệm cương vị Tổng thư ký Hội từ 2013.

Ngày 16/10/2014, Chủ tịch Hội Nguyễn Trường Tiến đột ngột qua đời. Trong cuộc họp bất thường ngày 7/11/2014, BCH Hội bầu TS Phùng Đức Long là Chủ tịch Hội, cùng các Phó CT: PGS.TS. Lê Đức Thắng, GS.TS. Trịnh Minh Thụ và TS. Nguyễn Anh Dũng.

Ngày 25/3/2016, Đại hội Toàn quốc Lần thứ Tư được triệu tập, với sự tham gia của gần 300 đại biểu từ mọi miền đất nước. Tại Đại hội lần này Ban chấp hành mới với 61 ủy viên đã được bầu ra. BCH Hội đã bầu TS Phùng Đức Long là Chủ tịch Hội, cùng các Phó CT: GS.TS. Trịnh Minh Thụ, TS Phạm Văn Long, TS. Nguyễn Anh Dũng, và ThS Phạm Việt Khoa, và Tổng thư ký PGS.TS. Hoàng Việt Hùng.

Trong các Hội thảo, Hội nghị quốc tế được Hội CHĐ&ĐKTCT VN tổ chức và đồng tổ chức tại Việt Nam, được bạn bè quốc tế đánh giá cao phải kể đến:

  • Hội thảo Địa kỹ thuật quốc tế tại Hà Nội năm 1992, với sự tham gia của nhiều nhà địa kỹ thuật quốc tế hàng đầu như GS Sven Hansbo (Thụy Điển), GS. Harry Poulos (Úc), v.v.
  • Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2011, với sự tham gia của 450 đại biểu từ 24 nước. Tại Hội nghị 110 bài viết được công bố, đặc biệt là các bài giảng của các GS. Sven Hansbo (Sweden), GS. Harry Poulos (Australia), GS. Alain Guilloux (France), Dr. Hiroshi Yoshida (Japan), GS. Pieter Vermeer (the Netherlands), GS. Kenji Ishihara (Japan).
  • Hội nghị quốc tế GEOTEC HANOI 2013, với sự tham gia của 500 đại biểu từ 28 nước. Tại Hội nghị 112 bài viết được công bố, đặc biệt là các bài giảng của các GS. Rolf Katzenbach (Germany), GS. Alain Guilloux (France), GS. Fumio Tatsuoka (Japan), GS. Kenichi Soga (UK); GS. Helmut Schweiger (Austria), và GS. Sven Hansbo (Sweden), v.v.