Công tác xây dựng Bộ tiêu chuẩn “Thiết kế công trình cảng biển”

Công trình cảng biển đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước, từ những năm 60 của thế kỷ trước nước ta đã chú trọng đến xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với loại hình công trình này dựa theo tiêu chuẩn thiết kế cảng biển của Liên Xô cũ. Tuy nhiên do bộ tiêu chuẩn này biên soạn đã khá lâu và không được cập nhật và đổi mới theo sự tiến bộ của khoa học công nghệ xây dựng công trình nói chung và công trình Cảng biển nói riêng nên đã trở nên bất cập và đòi hỏi phải có bộ tiêu chuẩn mới.
Từ năm 2013, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (ITST) với đã hợp tác với Viện quản lý Đất đai và Cơ sở hạ tầng quốc gia Nhật Bản (NILIM) để xây dựng Bộ tiêu chuẩn “Thiết kế công trình cảng biển”. Dự kiến Bộ tiêu chuẩn này gồm có mười phần như sau :
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 1: Nguyên tắc chung;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 2: Tải trọng và tác động;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 3: Yêu cầu kỹ thuật về vật liệu;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 4: Nền móng (gồm hai phần 4.1. Nền móng và 4.2.Cải tạo đất) ;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế.Phần 5: Công trình bến;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 6: Đê chắn sóng;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 7: Luồng tầu và bể cảng;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 8: Ụ khô, âu tầu, triền và bến nhà máy đóng tầu;
Công trình cảng biển-Tiêu chuẩn Thiết kế. Phần 9: Nạo vét và tôn tạo đất.
Và Tiêu chuẩn Thi công và Nghiệm thu Công trình Cảng biển
Thông qua việc nghiên cứu biên soạn bộ tiêu chuẩn thiết kế công trình cảng biển ITST đã khẳng định được vai trò chủ trì, tập hợp được nhiều chuyên gia đầu ngành ở các cơ quan quản lý, các trường đại học…trong và ngoài nước, việc biên soạn bộ tiêu chuẩn còn đang ở giai đoạn đầu, phía trước còn nhiều khó khăn tuy vậy với vai trò của mình ITST phấn đấu hoàn thành bộ tiêu chuẩn quốc gia cho ngành hàng hải.
Nội dung kỹ thuật trong biên soạn chủ yếu dựa trên bộ tiêu chuẩn OCDI của Nhật bản và bộ tiêu chuẩn BS 6349 : Công trình hàng hải của Vương quốc Anh. Đồng thời tham khảo thêm các tiêu chuẩn Hoa Kỳ, của các hiệp hội như PIANC, OCIMF…Nhờ vậy nội dung Bộ tiêu chuẩn mới đã cập nhật được các thành tưu mới nhất trong lĩnh vực thiết kế công trình cảng biển của thế giới.
Đến nay ITST đã hoàn thành hai Phần 1:” Nguyên tắc chung” và Phần 2 :”Tải trọng và tác động” và đã được Bộ Giao thông vận tải chính thức đệ trình lên Bộ Khoa học về Công nghệ để bắt đầu quá trình lấy ý kiến và phê duyệt để ban hành thành các tiêu chuẩn Việt nam. Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội đã hoàn thành tiêu chuẩn về Luồng tầu biển và đã được ban hành thành TCVN.
Trong năm 2017 , nhóm biên soạn sẽ thực hiện tiếp các Phần 3, 4, 5 và phần Âu tầu.
Các chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam tham gia Hội thảo tháng 3/2015 tại ITST
Trao đổi chuyên gia tại NILIM, Nhật Bản năm 2015

Nguyễn Hữu Đẩu, Đại học Giao thông Vân tải, Hà Nội